Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãi suất khó hạ tiếp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đây là ý kiến của TS Nguyễn Trọng Tài, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, Học viện Ngân hàng về khả năng hạ tiếp trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn trong những tháng cuối năm.

Lãi suất khó hạ tiếp - Ảnh 1
Việc doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn vay không hẳn do lỗi từ phía ngân hàng. 
Trong ảnh: Sản xuất sản phẩm nhựa tại Hợp tác xã Song Long. Ảnh: Huy Hùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp là cơ sở của nhiều ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ sớm kéo giảm lãi suất huy động trong thời gian tới. Ông nói gì về điều này?

- Cá nhân tôi cho rằng, dư địa để tiếp tục hạ lãi suất hiện không còn. Theo lý thuyết, điều hành lãi suất liên quan đến lạm phát. CPI mấy tháng qua tăng thấp nhưng lạm phát kỳ vọng vẫn cao. Bởi vậy, nếu chỉ nhìn vào CPI để đánh giá lạm phát và khả năng hạ lãi suất huy động là không chính xác. 

Nếu lãi suất huy động giảm tiếp, niềm tin vào VND mà chúng ta đã gây dựng khá thành công từ đầu năm đến nay sẽ giảm đi. Cũng có thể điều này sẽ gây áp lực lên tỷ giá, giá vàng những tháng cuối năm.

Dư địa hạ lãi suất không còn, lãi suất cho vay cũng đã giảm khá sâu, tại sao doanh nghiệp vẫn không vay vốn, tín dụng ngân hàng vẫn ì ạch, thưa ông? 

- Điều này xuất phát từ cả ngân hàng và doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn vay nhưng không đủ điều kiện tiếp cận. Và cũng có trường hợp, doanh nghiệp kinh doanh tốt, họ không chấp nhận vay mức lãi suất cao nên họ không vay. Về phía ngân hàng, trong bối cảnh nợ xấu tăng cao, họ thận trọng, chọn lọc tín dụng là điều dễ hiểu. 
Lãi suất khó hạ tiếp - Ảnh 2
Nếu lãi suất hạ sâu, VND giảm  sức hấp dẫn, người dân sẽ quay sang đầu tư vàng và ngoại tệ. Ảnh: Việt Hùng

Chúng ta kêu gọi ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay nhưng thiếu những hỗ trợ để ngân hàng giảm thiểu rủi ro khi tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn, như Nhà nước đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn chẳng hạn. Vì thế, ngân hàng dù "sốt ruột" nhưng cũng không dám mạo hiểm cho vay.

Có nghĩa là mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 8 đến 10% trong năm 2012 mà NHNN đặt ra sẽ khó đạt được?

- Theo cá nhân tôi, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta nên quan tâm nhiều đến lạm phát hơn là dồn tín dụng. Kiểm soát chặt lạm phát, thị trường lành mạnh, tín dụng sẽ tăng. Đúng là muốn không thụt lùi thì phải tăng trưởng nhưng nếu cố "kích" tín dụng để đẩy tăng trưởng sẽ gây áp lực lên lạm phát. Có vẻ như chúng ta đang lo vì tăng trưởng thấp. Theo tôi, nên bình tĩnh, thậm chí có thể chấp nhận tăng trưởng âm để "neo" lạm phát.
Tự do hóa lãi suất là đề xuất đã được bàn đến rất nhiều. Ý kiến của ông thế nào?

- Gỡ bỏ các biện pháp hành chính để lãi suất vận hành theo đúng quy luật thị trường là cần thiết. Chúng ta duy trì quá lâu cơ chế hành chính này. "Ép" quá sẽ dẫn đến tình trạng ngân hàng thương mại không tuân thủ và tìm cách lách. Hơn nữa, bản thân hệ thống ngân hàng thương mại đang bị thương tổn do rủi ro của môi trường kinh tế. "Cục máu đông" nợ xấu là bằng chứng cho gánh nặng mà hệ thống ngân hàng đang phải "gồng mình" chống đỡ.

Do đó, cần kết hợp đồng bộ chính sách tài chính và chính sách tiền tệ. Điều cần lưu ý là hai chính sách này cũng phải hướng vào hệ thống ngân hàng thương mại vì bản thân họ cũng chính là doanh nghiệp. Ví dụ, một ngân hàng thương mại tăng cường cho vay "cứu" loại hình doanh nghiệp nào đó mà Nhà nước quy định, ngân hàng đó sẽ được ưu tiên miễn giảm thuế giống như các doanh nghiệp khác hoặc được hưởng lãi suất tái cấp vốn thấp với giá rẻ.

Xin cảm ơn ông!


"Hạ tiếp lãi suất hay không là câu chuyện cần được suy tính thận trọng. Chúng ta vẫn đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu. Nếu lãi suất hạ quá sâu, VND mất sức hấp dẫn, người dân sẽ quay sang đầu tư vàng, ngoại tệ. Vị thế của VND mà chúng ta đã tạo dựng được nếu không khéo sẽ mất đi". -
Ông Nguyễn Văn Bình - Thống đốc NHNN