Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãi suất: Trên bảo, dưới vẫn… lách

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việc khống chế lãi suất (LS) huy động tiền đồng ở mức 14% và áp LS không kỳ hạn với các khoản tiền rút trước hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khiến nhiều khách hàng "ỉu xìu" khi đến gửi tiền tại ngân hàng.

KTĐT - Việc khống chế lãi suất (LS) huy động tiền đồng ở mức 14% và áp LS không kỳ hạn với các khoản tiền rút trước hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khiến nhiều khách hàng "ỉu xìu" khi đến gửi tiền tại ngân hàng.

Và để giữ chân các "thượng đế", nhiều ngân hàng vẫn tìm cách lách luật bằng cách ra mắt nhiều sản phẩm mới và điều chỉnh tăng lãi suất không kỳ hạn. Câu chuyện "trên bảo, dưới lách" đang khiến thị trường tiền tệ đứng trước nhiều nguy cơ.


Trên bảo, dưới lách


Cuối tháng 3, chị Nguyễn Hồng Hạnh (Thanh Xuân, Hà Nội) tìm đến Chi nhánh Ngân hàng Quốc tế (VIB) trên phố Tây Sơn để gửi lại khoản tiết kiệm hơn 100 triệu đồng. Sau khi chọn kỳ hạn 3 tháng, chị được nhân viên ngân hàng này thông báo là nếu rút trước hạn, chị sẽ chỉ được hưởng LS không kỳ hạn là 2,6%. Giải thích cho thắc mắc của chị Hạnh về việc tại sao không áp dụng LS linh hoạt như trước, nhân viên ngân hàng cho biết, đó là quy định của NHNN và hiện VIB đã dừng sản phẩm này.


Chị Hạnh không phải là người duy nhất thất vọng khi tìm "bến đậu" cho khoản tiền nhàn rỗi của mình. Hiện, ngân hàng nào cũng áp dụng mức LS sàn sàn như nhau, lại không được hưởng LS linh hoạt nếu có nhu cầu tiền mặt đột xuất phải rút giữa chừng.


Để "giữ chân" khách hàng, các ngân hàng lại nghĩ ra nhiều chiêu lách luật như đưa LS tất cả các kỳ hạn từ 1 tuần - 36 tháng "về một mối" 14%/ năm; tăng LS không kỳ hạn; đảm bảo LS tiền đồng theo giá USD và tỷ lệ lạm phát.


Hiện, khung LS tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng đã tăng cao từ 2 - 4% tăng lên mức 6 - 12%/năm. Đáng chú ý như Ngân hàng Việt Á (LS không kỳ hạn với các khoản tiền gửi lần lượt từ 1 tỷ đồng trở lên, 400 triệu đến 1 tỷ, và từ 20 triệu đến 400 triệu lần lượt là 8%/năm, 7,5%/năm; 6%/năm), VPBank (LS không kỳ hạn cao nhất lên đến 9%/năm)…


Để tăng sự hấp dẫn và khác biệt, một số ngân hàng đưa ra sản phẩm tiết kiệm đặc thù gắn 2 yếu tố đang nóng hiện nay là đôla và lạm phát. Kienlong Bank, Agribank ra sản phẩm "Tiết kiệm VND đảm bảo bằng USD", theo đó, toàn bộ số tiền gốc VND của khách hàng được đảm bảo giá trị theo USD và được lợi khi tỷ giá tăng. ACB, Habubank… tung sản phẩm lãi suất thả nổi với mức khởi điểm là 14% một năm, điều chỉnh mỗi tháng một lần.


Dù lãnh đạo một ngân hàng giải thích cho việc đưa ra sản phẩm LS đảm bảo bằng USD là giúp khách hàng yên tâm hơn khi gửi tiền đồng thì khách hàng vẫn ngầm hiểu đây là chiêu lách trần LS 14%/ năm.


Và những nguy cơ


Việc một số ngân hàng nhỏ tăng cao LS tuần, LS không kỳ hạn và đưa ra các sản phẩm tiết kiệm đảm bảo theo lạm phát và USD đã khiến thị trường tiền tệ đứng trước nhiều lo ngại.


Theo một số chuyên gia kinh tế, vốn huy động càng ngắn ngày, thì thời hạn cho vay càng co hẹp. Rộng ra, vốn cung ứng cho nền kinh tế, thay bằng kỳ hạn dài ổn định khoảng 6 - 12 tháng, lại được đắp đổi bằng những kỳ hạn vài tuần, một tháng, hai tháng, thậm chí cả khoản không kỳ hạn mà người gửi tiền có thể rút ra bất cứ lúc nào. Sự bất ổn tiền tệ có thể dấy lên từ đây.


Còn các chương trình tiết kiệm VND được bảo toàn giá trị dựa trên USD dù thuộc thẩm quyền của các tổ chức tín dụng theo khuôn khổ pháp lý hiện hành, tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu NHNN không có những biện pháp quy định rõ ràng đối với sản phẩm này thì việc các ngân hàng làm theo nhau là điều khó tránh khỏi. Vì ngân hàng nào chậm chân là đồng nghĩa với việc tự mình "từ chối" một lượng lớn khách hàng. Và khi đó, LS huy động sẽ ở tình trạng trôi nổi, khó đảm bảo đúng với mức trần theo quy định của NHNN.