Các địa phương được thực hiện việc ứng trước vốn ngân sách gồm có Hà Nội, Đà Nẵng, Hưng Yên và Lạng Sơn. Tuy nhiên, hai bộ này lại không tìm được "tiếng nói chung" về việc sử dụng nguồn tiền để ứng trước từ gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng.
Nhà tái định cư tại Khu đô thị Nam Trung Yên.Ảnh: Hải Linh |
Ngày 29/8/2013, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng có ý kiến về kiến nghị của Bộ Tài chính tại Công văn số 10987/BTC-QLCS ngày 19/8/2013 về việc ứng trước một phần từ ngân sách cho địa phương giải quyết nhu cầu nhà ở tái định cư. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng đã thống nhất với Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép ứng trước một phần ngân sách trong năm 2013 cho địa phương, để mua lại các dự án nhà ở thương mại phục vụ nhu cầu tái định cư theo quy định tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Bộ Xây dựng cho rằng, tổng số vốn ứng trước là 5.490 tỷ đồng là phù hợp. Đồng thời, Bộ Xây dựng đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép ứng trước nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho các địa phương mua lại các dự án nhà ở thương mại phù hợp để làm nhà ở tái định cư, nhất là nhà ở tái định cư có nhu cầu sử dụng trong năm 2013 và 2014. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra và rà soát lại số liệu tồn kho bất động sản được nêu trong Công văn số 10987/BTC-QLCS, vì theo tổng hợp của Bộ Xây dựng thì nhà ở xã hội hầu như không có tồn kho (chỉ có một số căn hộ người mua trả lại để mua nhà ở dự án khác, nhưng sau đó chủ đầu tư đã bán cho người mua khác). Số liệu tổng hợp tồn kho bất động sản theo báo cáo của 56/63 tỉnh, TP đến hết tháng 6/2013 tương đương khoảng 108.773 tỷ đồng. Nhằm góp phần giải quyết vấn đề này, Bộ Xây dựng đề nghị thực hiện phương án ứng trước một phần vốn từ ngân sách T.Ư và địa phương để mua nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội cho thuê và cho thuê mua, hoặc để làm nhà ở cho thuê phục vụ cho các đối tượng chính sách. Khi tổ chức triển khai việc mua lại các dự án nhà ở thương mại, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và chính quyền các địa phương để cân đối cung cầu, bảo đảm thực hiện đúng chủ trương theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Việc thực hiện ứng trước từ ngân sách để mua nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ cần được tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Đồng tình với đề xuất ứng trước một phần từ ngân sách cho các địa phương giải quyết nhu cầu nhà ở tái định cư, nhưng Bộ Xây dựng lại không đồng tình với việc Bộ Tài chính kiến nghị dùng nguồn tiền cho vay hỗ trợ nhà ở từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (30.000 tỷ đồng) cho các địa phương vay để mua lại các dự án nhà ở thương mại làm nhà ở tái định cư. Bộ Xây dựng cho rằng, đề xuất này chưa phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 02/NQ-CP. Mặt khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì gói tín dụng hỗ trợ nhà ở được dành 70% để cho các hộ gia đình, cá nhân vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Còn 30% (khoảng 9.000 tỷ đồng) để cho các doanh nghiệp vay đầu tư phát triển nhà ở xã hội.q Theo số liệu tổng hợp tồn kho bất động sản theo báo cáo của 56/63 tỉnh, TP đến hết tháng 6/2013, tồn kho căn hộ chung cư: 27.805 căn, tương đương 41.542 tỷ đồng (38,19%); tồn kho nhà thấp tầng: 15.007 căn, tương đương 27.445 tỷ đồng (25,23%); tồn kho đất nền nhà ở: 9.937.385m2, tương đương 33.951 tỷ đồng (31,12%); đất nền thương mại khác: 2.016.915m2, tương đương 5.835 tỷ đồng (5,36%).