Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lai Xá - Khát vọng giữ nghề

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức được coi là nơi khởi nguồn của nghề nhiếp ảnh Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm, với lòng yêu nghề tha thiết, người dân Lai Xá vẫn kiên tâm duy trì và phát huy nét độc đáo của nghề nhiếp ảnh, như đáp lại công lao, hoài bão khởi nghiệp của ông cha bao đời.

Bề dày truyền thốngTheo lời kể của các cụ cao niên trong làng, nghề nhiếp ảnh xuất hiện ở Lai Xá từ rất lâu đời. Năm 1890, với sự giúp đỡ của người chú ruột, cụ Nguyễn Đình Khánh (người làng Lai Xá) đã ra Hà Nội học nghề chụp ảnh tại hiệu ảnh Du Chương trên phố Hàng Bồ của người Hoa. Sau những tháng năm vất vả học nghề, nhờ nắm bắt được những bí quyết trong nghề nhiếp ảnh, năm 1892, cụ đã tự mở một hiệu ảnh riêng mang tên Khánh Ký trên phố Hàng Da, Hà Nội.
 
Không chỉ mưu sinh, phát triển nghề nhiếp ảnh cho riêng mình, cụ Khánh về làng truyền nghề cho người dân Lai Xá. Từ đó, mở ra thời kỳ hưng thịnh của nghề nhiếp ảnh Lai Xá nói riêng và nhiếp ảnh Việt Nam nói chung. Sở hữu kỹ thuật chụp ảnh điêu luyện và bí quyết pha thuốc điều chế độ sáng ảnh đặc biệt do thầy Khánh truyền dạy, các tay máy làng Lai Xá có thể chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết mà độ bắt sáng vẫn đều, đẹp. Hiệu ảnh của người Lai Xá còn thể hiện đẳng cấp vượt trội so với các hiệu ảnh khác. Ở thời điểm đó, họ có thể đảm nhận được tất cả các công đoạn như: Chụp ảnh, làm buồng tối, chấm sửa, in và phóng ảnh.
 
 
Lai Xá -  Khát vọng giữ nghề - Ảnh 1
 
Ông Nguyễn Văn Thắng giới thiệu về những bức ảnh cổ của các thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh làng Lai Xá.
 
 
Vào những năm 1920, người dân làng Lai Xá đã thực sự vững vàng trong nghề nhiếp ảnh, số người làm nghề chiếm tới 80%. Không chỉ thành lập nhiều hiệu ảnh tại các tỉnh, thành trong nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Quảng Ninh, Nam Định, Lào Cai… mà còn "vượt biên" ra cả nước ngoài: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Malaysia, Pháp, Đức. Lúc đó, Hà Nội có 40 hiệu ảnh thì người Lai Xá làm chủ của 33 hiệu, nổi tiếng như: Kim Lai, Mỹ Lai, Vạn Hoa, Thủ đô ảnh, Central, Aubella, Duy Tân… Sài Gòn có 34 hiệu thì người Lai Xá là chủ của 27 hiệu, nổi tiếng nhất là hiệu ảnh Thịnh Ký. Ở Hải Phòng có 16 hiệu ảnh, ở Quảng Ninh, Nam Định… trung bình từ 4 -  5 hiệu ảnh. Các hiệu ảnh của người Lai Xá đều có đặc điểm chung là có vị trí lớn nhất, đẹp nhất và đông khách nhất. Với công lao chuyển một nghề ngoại nhập, thành một nghề truyền thống, cụ Khánh được người dân làng Lai Xá suy tôn là ông Tổ làng nghề.
 
Hiện nay, làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá có 5 xóm và một con phố mang tên Phố Lai. Với chiều dài chưa đầy 1 km,  Phố Lai tập trung nhiều hiệu ảnh nhất làng với gần chục hiệu ảnh. Ông Nguyễn Minh Nhật, một nghệ nhân của làng và là chủ nhân của hiệu ảnh Sơn Hà với 5 cơ sở nằm rải rác trên địa bàn TP Hà Nội chia sẻ: "Nhờ biết sử dụng bí quyết gia truyền trong nghề nhiếp ảnh, kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại mà hiệu ảnh của gia đình tôi luôn đông khách, mang lại nguồn thu nhập cao và tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động".
 
“Truyền lửa” cho thế hệ trẻ
 
Dù là nơi khởi nguồn của nghề nhiếp ảnh với hơn 150 hiệu ảnh trên khắp đất nước và có trên 300 thợ ảnh tỏa đi khắp nơi, song làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá cũng đang đứng trước những khó khăn không nhỏ.
 
Cuộc sống ngày càng phát triển với những ứng dụng của khoa học công nghệ, nhiếp ảnh bây giờ sử dụng kỹ thuật số là chủ yếu. Bên cạnh đó, lớp trẻ của làng không mấy mặn mà với việc học nghề nhiếp ảnh. Đối diện với thách thức đó, năm 2002, Lai Xá đã thành lập Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh, gồm 30 người với mục đích trao đổi kinh nghiệm, thể hiện niềm đam mê nhiếp ảnh, đồng thời bảo tồn và phát triển nghề nhiếp ảnh của làng. Từ khi thành lập đến nay, các thành viên của hội đã có hàng ngàn bức ảnh đẹp, trong đó có nhiều bức ảnh đặc sắc về sự vật, thiên nhiên, con người với cách thể hiện khéo léo, tinh tế mang tính nghệ thuật. Nhiều bức ảnh đã được trao giải cao trong cuộc thi chào mừng SEA Games 22, triển lãm ảnh các tỉnh đồng bằng sông Hồng và triển lãm ảnh "Nhịp sống đất và người Hà Tây"…
 
Nhằm khơi dậy niềm đam mê nhiếp ảnh cho thế hệ trẻ, Câu lạc bộ đã mở nhiều lớp dạy chụp ảnh, đào tạo cho hơn 1.000 học viên; tổ chức các đợt đi giao lưu, sáng tác tập thể tại các danh lam, thắng cảnh trên cả nước. Tháng 2/2008, Lai Xá đã tổ chức cuộc triển lãm mang tên: "Từ làng tới phố - ảnh ký của người Lai Xá" tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhằm khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống và sự đổi mới không ngừng của làng nghề nhiếp ảnh. Năm 2010, nhân dịp Thăng Long -  Hà Nội tròn 1000 năm tuổi và kỷ niệm 118 năm người Lai Xá hành nghề nhiếp ảnh, Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh đã mở cuộc triển lãm với trên 100 bức ảnh giới thiệu về đất và người Hà Nội.
 
"Dù thuộc Hội Nhiếp ảnh Hà Nội, song Câu lạc bộ ra đời từ làng nghề nên trong 24 thành viên của Hội thì người Lai Xá chiếm 2/3. Những thợ ảnh, nghệ sĩ của làng nghề đã tích cực hoàn thiện các tư liệu, các sản phẩm nổi bật của người Lai Xá trưng bày ở nhà văn hóa thôn để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước" - ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh nói với giọng đầy tự hào. Chủ tịch UBND xã Kim Chung - ông Nguyễn Hữu Cương cho biết: Để duy trì và phát triển nghề nhiếp ảnh bền vững, góp phần tạo nên nét văn hóa đặc sắc của Hà Nội, chính quyền và nhân dân địa phương đã và đang chung tay đưa Lai Xá trở thành điểm du lịch văn hóa làng nghề.
 
Dù đang chuyển mình theo hướng đô thị hóa nhưng Lai Xá vẫn giữ được những dấu ấn, đặc trưng riêng, trường tồn cùng với hàng ngàn làng nghề truyền thống Việt Nam.