Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm chủ tài khoản kinh phí bảo trì chung cư: Chuyện không nhỏ...

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để bảo trì chung cư cần một khoản kinh phí không nhỏ. Với các chung cư cao cấp, con số này có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. Bởi vậy vấn đề sử dụng, quản lý quỹ này ra sao luôn là vấn đề được cư dân sống trong các chung cư quan tâm.

Đây cũng là vấn đề khiến cơ quan quản lý “đau đầu", bởi tại TP Hồ Chí Minh đã có trường hợp đại diện ban quản trị "bỏ đi" cùng với toàn bộ khoản tiền bảo trì của cư dân.

Trách nhiệm không của riêng ai

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ thực tế của Hà Nội, và khảo sát tại các địa phương khác, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, có thể thấy việc quản lý quỹ bảo trì của các chung cư không đơn giản. Có thể nói, năng lực, trách nhiệm và tính pháp lý của ban quản trị ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng, quản lý quỹ bảo trì, mà chất lượng của công tác bảo trì lại ảnh hưởng không nhỏ đến tuổi thọ của nhà chung cư. Bên cạnh đó, ban quản trị chung cư còn đại diện cho người dân để giải quyết nhiều công việc liên quan đến cuộc sống của các hộ dân. Bởi vậy, trong quá trình chọn lựa, các cư dân sống trong chung cư cần quan tâm để tìm ra được một ban quản trị "có tâm, có tầm", không nên có tâm lý bầu qua loa cho xong chuyện.

Làm chủ tài khoản kinh phí bảo trì chung cư: Chuyện không nhỏ... - Ảnh 1

Việc quản lý Quỹ bảo trì tại các khu chung cư luôn được người dân quan tâm. Ảnh: Linh Anh

Theo quy định của UBND TP Hà Nội, ban quản trị quản lý tài khoản kinh phí bảo trì với hình thức đồng chủ tài khoản, gồm trưởng ban quản trị và một thành viên do ban quản trị cử ra, để quản lý sử dụng khoản kinh phí này theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp chung cư chưa có ban quản trị, định kỳ 6 tháng/lần, doanh nghiệp quản lý, vận hành nhà chung cư được TP giao thông báo công khai cho các chủ sở hữu của từng tòa chung cư biết tình hình sử dụng kinh phí bảo trì, tiền lãi và số dư tài khoản kinh phí bảo trì, dự kiến tình hình sử dụng kinh phí này trong kỳ tiếp theo. Mặc dù trách nhiệm chính đối với quỹ bảo trì là ban quản trị hoặc doanh nghiệp được giao quản lý, vận hành chung cư, nhưng UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã phải có trách nhiệm phối hợp hướng dẫn việc thực hiện các quy định đối với chung cư trên địa bàn và phải kịp thời phát hiện những vấn đề vướng mắc phát sinh, tranh chấp trong công tác bảo trì để giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết.

Không thu thuế đối với kinh phí bảo trì

Theo quy định tại Quy chế quản lý và sử dụng nguồn kinh phí bảo trì nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội mới được ban hành, các khoản kinh phí bảo trì chung cư đã được nộp vào ngân sách TP cùng với tiền bán nhà, Ban Quản trị nhà chung cư có trách nhiệm mở tài khoản tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng thương mại để tiếp nhận, quản lý kinh phí bảo trì của tòa nhà (nếu có) do ngân sách TP chuyển giao trên cơ sở số kinh phí bảo trì đã nộp vào ngân sách TP được doanh nghiệp quản lý, vận hành nhà chung cư xác định và được Sở Tài chính thẩm tra, xác nhận.

Trong trường hợp kinh phí bảo trì không đủ để thực hiện bảo trì phần diện tích sử dụng chung và hạ tầng kỹ thuật ngoài tòa nhà thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp thêm kinh phí tương ứng với phần diện tích thuộc sở hữu riêng của từng chủ sở hữu và chỉ được thu khi phát sinh công tác bảo trì. Việc đóng góp kinh phí được xác định đối với từng công việc bảo trì cụ thể và thống nhất tại hội nghị nhà chung cư. Trường hợp nhà chung cư phải phá dỡ mà kinh phí bảo trì chưa sử dụng hết thì được sử dụng để hỗ trợ khi xây dựng lại nhà chung cư hoặc đưa vào quỹ bảo trì nhà chung cư đó sau khi xây dựng lại. Đáng lưu ý, theo quy định của UBND TP, khoản kinh phí bảo trì được trích trước thuế, Nhà nước không thu thuế đối với khoản kinh phí này.

Tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì được mở và theo dõi riêng cho từng tòa nhà chung cư. Số tiền lãi phát sinh trong mỗi kỳ do tiền gửi tại ngân hàng phải được bổ sung vào kinh phí bảo trì.