Tuy vậy, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật chiều qua vẫn còn nhiều ý kiến của các đại biểu (ĐB) Quốc hội băn khoăn về chuyển một số loại phí, lệ phí sang cơ chế giá làm sao để quyền lợi của người dân không bị ảnh hưởng.
Chấn chỉnh thu phí giao thông
“Người ta đã nộp phí bảo trì đường bộ rồi nhưng giờ cứ đi ra khỏi nhà là bị phí. Như thế là phí chồng phí. Bộ GTVT thường xuyên giải thích nhưng người dân vẫn không đồng tình. Đi đâu cũng thấy dân kêu về phí BOT” - ĐB Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) phát biểu. Theo đó, hiện nay, các tuyến đường đều BOT hết nên những người sống trong vùng BOT phải “gánh” rất nhiều loại phí. Để thu hút đầu tư hạ tầng, Nhà nước đã có cơ chế đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng qua việc thu phí các tuyến đường BOT. Tuy nhiên, các trạm thu phí BOT đang ngày một mọc lên nhiều hơn, trong khi đó người dân địa phương không có đường dân sinh thay thế, không chịu được phí cho sự di chuyển hàng ngày dẫn đến những xung đột lợi ích.
Một bất hợp lý được ĐB Sơn chỉ ra tại các dự án BOT giao thông trên QL1, đó là khi quyết định chia QL1 thành nhiều dự án BOT để đầu tư và thu phí thì đã vô tình buộc người dân phải trả phí cho việc lưu thông trên tuyến đường huyết mạch này; trong khi nguyên tắc khi làm BOT là phải có sự chọn lựa cho người dân, tức người dân không muốn sử dụng đường BOT thì họ vẫn có thể sử dụng những dịch vụ công bình thường không chịu phí.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) phát biểu, các dịch vụ công là trách nhiệm của Nhà nước nhằm mục tiêu phục vụ cá nhân, tổ chức mà không nhằm mục đích có lợi nhuận như một đơn vị kinh doanh. ĐB nêu rõ, không phải khi chúng ta cung cấp bất cứ một dịch vụ nào cũng tính đến phí và lệ phí: “Nếu chúng ta muốn xã hội hóa thì tách ra, không nên nhập nhằng điều này, rất phản cảm và người dân hoàn toàn không đồng tình về vấn đề này. Khuyến khích xã hội hóa e rằng có sự lạm dụng. Tôi nghĩ ở vùng sâu, vùng xa làm BOT hạn chế thôi, để dân đỡ phải đóng phí”.
Lo cho người nghèo
Dự thảo Luật mới đã thu gọn nhiều loại phí được bãi bỏ như học phí, viện phí; phí qua đò; qua phà; phí hoa tiêu, dẫn đường; phí kiểm định phương tiện vận tải cũng được chuyển sang cơ chế giá.
Việc chuyển đổi này hướng đến thúc đẩy xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ, giảm bao cấp Nhà nước, đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập theo hướng “ai hưởng người đó trả tiền”. “Việc chuyển phí và lệ phí qua hình thức giá dịch vụ thoạt nghe thì hợp lý về hình thức nhưng có thể khiến người dân thêm gánh nặng vì giá dịch vụ sẽ cao hơn phí do trong phí còn có phần phúc lợi của Nhà nước” - ĐB Danh Út (Kiên Giang) đánh giá. Theo Dự thảo Luật thì sẽ chuyển cả học phí bậc phổ thông lẫn đại học ra khỏi danh mục phí và chuyển sang cơ chế giá dịch vụ. Với trường học công, người ta sẽ bị chi phối bởi các quy định, nhưng trường tư, khi chuyển sang giá dịch vụ, họ sẽ tính làm sao thu hồi chi phí, thu hồi vốn, rồi tiến tới có lãi... Điều này sẽ dẫn đến vấn đề an sinh xã hội ở bậc phổ thông. ĐB Út kiến nghị quá trình thực hiện cần có lộ trình để tránh gây khó khăn bất lợi cho người nghèo, dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
Tương tự, với dịch vụ y tế, các ĐB cho rằng, nếu bệnh viện mà tính khấu hao tài sản vào giá dịch vụ thì sẽ là một câu chuyện không đơn giản, lúc đó giá sẽ rất khác. Do vậy, khi sửa đổi Luật này thì trong Luật Giá cũng phải có sự thay đổi đối với một số dịch vụ thiết yếu, cần có sự kiểm soát của Nhà nước, nếu không việc tiếp cận dịch vụ này sẽ trở nên khó khăn với người dân.