Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm gì để du lịch văn hóa kiếm được tỷ đô ?

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ lâu nay, ngành du lịch Việt Nam luôn xác định du lịch văn hóa là nền tảng để phát triển một cách bền vững, tạo sức hút với du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Tuy nhiên, làm thế nào để mở rộng phát triển du lịch văn hóa vẫn còn nhiều việc phải làm.

Nhiều tiềm năng

Thông tin từ Bộ VHTT&DL cho thấy, Việt Nam hiện có 32 di sản thế giới được UNESCO vinh danh, trong đó 2 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp, 29 di sản văn hóa; cùng hàng nghìn di tích cùng sự đa dạng về bản sắc văn hóa của 54 dân tộc. Đây chính là cơ sở để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, có tính cạnh tranh cao với các nước trong khu vực.

Khách du lịch tham quan chùa Thầy (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch tham quan chùa Thầy (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội). Ảnh: Hoài Nam

Thực tế cho thấy, thời gian qua một số địa phương đẩy mạnh khai thác sản phẩm du lịch văn hóa đã trở thành thương hiệu đặc trưng, là “điểm phải đến” của khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế. Cụ thể, quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế), Khu di tích Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An (Quảng Nam), Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long…

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang khẳng định, du lịch văn hóa là thế mạnh lớn nhất của du lịch Thủ đô đang được tập trung khai thác. “Thời gian qua ngành du lịch Hà Nội đã khai thác một số điểm văn hóa thành tour du lịch đặc trưng của Thủ đô. Cụ thể như tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, tour văn học tại Bảo tàng Văn học Việt Nam… là một minh chứng rất lớn cho việc du lịch dựa vào văn hóa để phát triển sẽ tạo sức hút lớn với du khách” - bà Đặng Hương Giang nêu ví dụ.

Khách du lịch tham quan di tích lịch sử Cổ Loa (huyện Đông Anh, TP Hà Nội). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch tham quan di tích lịch sử Cổ Loa (huyện Đông Anh, TP Hà Nội). Ảnh: Hoài Nam

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, cùng với các loại hình như du lịch sinh thái, thể thao, khám chữa bệnh, du lịch mạo hiểm… du lịch văn hóa được xem là sản phẩm đặc thù của các nước đang phát triển, thu hút nhiều khách quốc tế. Điều hấp dẫn, thu hút nhất đối với khách quốc tế, đó là bản sắc văn hóa của các quốc gia thể hiện ở sản phẩm du lịch.

Du khách khi đến Việt Nam thường tìm kiếm những điều mới mẻ, độc đáo, những trải nghiệm khám phá văn hóa bản địa, được hòa cùng người dân, tận hưởng vẻ đẹp của địa phương...

“Du lịch văn hóa là nền tảng để xây dựng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức hút lâu bền, đặc biệt với khách quốc tế” - ông Vũ Thế Bình bày tỏ.

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Mặc dù có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển loại hình du lịch văn hóa so với các quốc gia trong khu vực, nhưng theo chuyên gia, du lịch văn hóa Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, chưa khai thác được hết tài nguyên phong phú.

Khách du lịch tham quan Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch tham quan Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Hoài Nam
 

Các điểm đến du lịch văn hóa nên có những chương trình biểu diễn nghệ thuật đề cao các giá trị văn hóa dân gian Việt Nam. Bên cạnh đó, cần đầu tư cho việc quảng bá du lịch văn hóa qua các sản phẩm du lịch, chương trình nghệ thuật. 

Trưởng khoa Du lịch, trường Đại học KHXH&NV Phạm Hồng Long

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn, ở Việt Nam sản phẩm du lịch văn hóa vẫn còn chậm đổi mới, ít sáng tạo, có sự trùng lặp giữa các địa phương, vùng miền, thiếu tính đồng bộ nên chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch có chất lượng bền vững.

Bên cạnh đó, nhiều tài nguyên du lịch văn hóa có giá trị của Việt Nam vẫn chưa được đầu tư khai thác thành các sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, du lịch cũng gây ra một số tác động tiêu cực như xu hướng "thương mại hóa", sân khấu hóa đối với một số lễ hội.

Khách du lịch tham quan chùa Thầy (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch tham quan chùa Thầy (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội). Ảnh: Hoài Nam

Tại ''Diễn đàn Du lịch năm 2023 - Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông cho rằng từ trước đến nay, du lịch mới khai thác văn hóa trên khía cạnh các di sản vật thể, điểm di tích. Khách du lịch còn thiếu những sản phẩm nghe, nhìn hấp dẫn, các sản phẩm du lịch chưa cung cấp kiến thức văn hóa truyền thống, con người Việt Nam.

Trưởng khoa Du lịch, trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) - TS Phạm Hồng Long hiến kế, để du lịch văn hóa “chạm” được tới du khách thì các địa phương, điểm đến cần có sự sáng tạo trong cách kể câu chuyện của mình, tổ chức nhiều trải nghiệm mới. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy việc tuyên truyền qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật là con đường nhanh và hiệu quả nhất để tiếp cận du khách.

Khách du lịch tham quan chùa Chuông (tỉnh Hưng Yên). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch tham quan chùa Chuông (tỉnh Hưng Yên). Ảnh: Hoài Nam

Từng trực tiếp xây dựng nhiều sản phẩm du lịch văn hóa tại Hà Nội và một số địa phương, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, để phát triển du lịch văn hóa bền vững, thì sự tham gia của người dân đóng vai trò rất lớn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa, làm cho vùng đất đó trở nên hấp dẫn, thân thiện, thu hút du khách quay trở lại.

"Để làm được điều đó, chính quyền và doanh nghiệp cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích có được từ các hoạt động phát triển du lịch đối với cộng đồng. Trao quyền cho cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch là hướng đi đúng đắn" - ông Phùng Quang Thắng nhấn mạnh.

Để phát triển du lịch văn hóa một cách hiệu quả, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, các địa phương cần ban hành kế hoạch triển khai cụ thể trên cơ sở thế mạnh di sản văn hóa của mình; cần ưu tiên phát triển sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn. Để làm được điều này đòi hỏi các địa phương cũng cần có sự kết nối trong phát triển sản phẩm du lịch văn hoá, tạo chuỗi sản phẩm bền vững, vừa đảm bảo yếu tố đặc thù, vừa đảm bảo tính liên kết trong các chương trình du lịch cho du khách.

Hiến kế của các chuyên gia, doanh nghiệp cho thấy muốn phát triển du lịch văn hóa Nhà nước cần có chính sách về hỗ trợ phát triển du lịch văn hóa. Cụ thể cải thiện cơ sở hạ tầng, bảo tồn di sản; phát triển bản sắc văn hóa vùng, nâng cao chất lượng dịch vụ và cơ sở vật chất du lịch.