Việt Nam tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo ra nhiều cơ hội lẫn thách thức cho ĐN Việt |
Không chỉ tác động tích cực đến DN bằng các FTA, Chính phủ và các ngành như hải quan, thuế… cũng luôn đặt vấn đề cải cách để hội nhập và phát triển kinh tế trong nước. Liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa của DN, có thể thấy, ngành Hải quan trong những năm gần đây đã chuyển động tích cực về cải cách hành chính. Hải quan không chỉ cải cách ngay tại bộ phận mình mà còn căn cứ vào thực tế để kiến nghị Chính phủ giao cho các bộ ngành có liên quan trong kiểm tra chuyên ngành cải cách theo. Có đến 82/87 văn bản trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành và quản lý chuyên ngành được sửa đổi.
“Hiện có 120 thủ tục hành chính đã được kết nối trên hệ thống một cửa, chỉ còn 18 thủ tục khó có thể triển khai được thì có thể đưa vào các năm tiếp theo. Cơ quan hải quan tiếp tục đồng hành cùng DN, các bộ ngành để tháo gỡ những vướng mắc, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi thương mại”, bà Lê Nguyễn Việt Hà - Phó trưởng phòng, Phòng Giám sát 1, Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Đình An - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh, cùng với tác động, các cơ hội do các FTA đem lại và sự nỗ lực cải cách hành chính, hỗ trợ DN của Chính phủ, bộ ngành, địa phương thì chính DN Việt cũng phải phải tự thay đổi, tự lớn lên để đủ khả năng tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Đối với thị trường, kiểu cách làm ăn mới như vậy thì DN phải có thay đổi rất nhiều, cần hướng tới những chuẩn mực. Phải thay đổi cách làm ăn. Các hiệp định này đòi hỏi sự đầu tư và cái nhìn dài hạn, có chiến lược thì sau đó mới có thể tiếp cận các thị trường lớn, phát triển và mới có thể nhảy vọt được”, ông An nhấn mạnh.
Các thuận lợi thương mại ngày càng được mở ra, vấn đề còn lại là chính DN phải nắm bắt được các thuận lợi đó để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Nhưng phía DN cũng mong muốn khi xây dựng các quy định, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại thì các ngành chức năng phải phối hợp với nhau tốt hơn, sát với DN hơn. Đồng thời, đội ngũ cán bộ công chức làm công tác thương mại, xuất nhập khẩu… cũng phải được đào tạo, nâng tầm để có đủ kiến thức và kinh nghiệm vì bất cứ sự tham mưu, quyết định nào của đội ngũ này cũng ảnh hướng đến sự sống còn của DN.