Tuyên chiến với “cà phê bẩn”
Gắn bó với mảnh đất Gia Lai từ nhỏ, vì thế anh Phan Hữu Dương đã sớm làm quen với cây cà phê. Chứng kiến cảnh người dân canh tác vất vả, nhưng đến mùa thu hoạch chủ yếu bán nhân xanh nên thường bị tư thương ép giá. Giá thành sản phẩm cũng thường xuyên dao động phụ thuộc vào thị trường. Trong khi đó, vấn nạn cà phê tẩm hóa chất, cà phê pha trộn đang tràn lan trên thị trường. Từ đó đã thôi thúc Dương phải làm một điều gì đó để lấy lại giá trị cho cà phê Việt.
Năm 2016, anh quyết định đi học rang xay và xây dựng thương hiệu cà phê bột mang thương hiệu Xuân Dương. “Tôi muốn dùng chất lượng sản phẩm của mình để tuyên chiến, loại dần “cà phê bẩn” ra khỏi thị trường để người tiêu dùng được tiếp xúc, sử dụng sản phẩm sạch, an toàn” – Dương cho hay.
Anh chọn đi theo con đường làm cà phê sạch bằng cách xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh khép kín, từ trồng trọt, thu hái, sơ chế, bảo quản, rang xay, đóng gói và đưa ra thị trường. “Muốn có sản phẩm tốt thì nguyên liệu đầu vào phải tốt, cà phê ngon trước hết phải sạch. Đây là nguyên lý nằm lòng của giới rang xay, chế biến cà phê nhằm đáp ứng yêu cầu ngày một khắt khe của thị trường” - ông chủ thương hiệu cà phê Xuân Dương khẳng định.
Với 5ha trồng cà phê của gia đình, anh bắt đầu canh tác theo phương pháp 4C. Việc chăm sóc đất, cải tạo đất, không lạm dụng hóa chất là yếu tố tiên quyết, bắt buộc. Kết hợp tuân thủ quy trình sử dụng phân bón vi sinh, NPK, bã cà phê lên men, tạo thiên địch và tính cộng sinh từ đất ở từng giai đoạn sinh trưởng của cây đã mang lại kết quả tích cực cho người trồng như cây ít sâu bệnh, sản lượng ổn định, chất lượng cà phê vượt trội. Đến khi thu hoạch chỉ hái quả chín, không hái quả xanh, trong vòng 24 giờ là phải đem sơ chế, loại bỏ quả khô, quả một nhân, cho vào máy bóc vỏ thịt chỉ lấy nhân đưa ra phơi trên lưới hoặc giàn phơi, đạt độ ẩm mới đưa vào kho bảo quản.
Anh Dương chia sẻ: “Để cho ra sản phẩm đạt chất lượng, khâu chế biến cực kỳ quan trọng. Tôi sử dụng phương pháp chế biến bán ướt, yêu cầu bắt buộc là thu hái quả chín tươi với tỷ lệ từ 85% trở lên. Hiện nay, tôi chấp nhận trả công thu hái cao hơn giá thường để có được tỷ lệ thu hái quả chín đỏ đạt chuẩn”.
Bằng phương pháp này, các loại quả khô, hư sẽ nổi lên trên mặt nước, các loại quả xanh, chín sẽ do máy tự sàng lọc. Ưu điểm thấy rõ của phương pháp này là tỷ lệ thành phẩm hao hụt thấp hơn so với chế biến khô, giữ được hương vị tươi mới, đồng nhất, đầy đặn của cà phê.
Chiến lược “mưa dầm thấm lâu”
Mặc dù là một “tân binh” trong giới rang xay cà phê, nhưng ông chủ cà phê Xuân Dương luôn tự tin rằng chất lượng sản phẩm tốt sẽ giúp mình thành công. Sự khác biệt của Xuân Dương đó là chất lượng tốt và chỉ làm theo đơn đặt hàng, không sản xuất hàng loạt, từ đó tạo lòng tin với khách hàng. Hiện cà phê Xuân Dương chia làm 5 loại theo phân khúc của khách hàng, có mức giá từ 150.000 – 300.000 đồng/kg. Trung bình mỗi tháng cơ sở xuất ra thị trường 6 tạ cà phê bột.
Chia sẻ về những khó khăn khi đi theo con đường cà phê sạch, anh Dương cho biết: Khó khăn lớn nhất chính là phải cạnh tranh với các dòng “cà phê bẩn”, giá thành thấp, trong khi tâm người bán quán cà phê chưa sáng, đang chạy theo lợi nhận mà chấp nhận bán cho người tiêu dùng.
“Đi theo con đường này tôi xác định mình sẽ phải đi con đường dài, cần nhiều thời gian để chinh phục khách hàng. Do đó, tôi dùng chiến lược “mưa dầm thấm lâu”, lan tỏa bằng cách chấp nhận không có lời trong sản phẩm, chấp nhận bán chậm, nhưng sản phẩm phải đảm bảo nhất”. Một điều nữa mà anh Dương tâm đắc khi xây dựng mô hình cà phê sạch là tạo được công ăn việc làm cho bà con nông dân và đánh thức ý thức về làm cà phê sạch cho họ.
Không chỉ dừng lại ở việc chế biến cà phê thành phẩm, thời điểm này khi hoạt động sản xuất đi vào ổn định, anh đang đi vào xây dựng hệ thống quán cà phê, để sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Hiện anh vừa khai trương một quán cà phê ở Đà Nẵng. Dự định là sẽ tiếp tục nhân rộng các cửa hàng ra toàn quốc.