Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo cơ chế đột phá thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Thúy Quỳnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Được đánh giá là một trong các quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động và có nhiều cải thiện trên bảng xếp hạng toàn cầu, tuy nhiên, hoạt động đổi mới sáng tạo vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ.

Nhiều điểm nghẽn

Đổi mới sáng tạo có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của Quốc gia và doanh nghiệp, là động lực cho sự tiến bộ kinh tế và sức cạnh tranh của đất nước. Đảng và Nhà nước xác định vai trò nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, xem đây là “động lực chính” để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đảng và Nhà nước đã ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách, định hướng lớn để phát triển đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giúp nâng cao năng suất.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giúp nâng cao năng suất.

Hoạt động đổi mới sáng tạo đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Điểm sáng đầu tiên của ngành thể hiện ở Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam năm 2023 tăng 2 bậc so với năm 2022, xếp thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, là một trong bẩy quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Việt Nam cũng là một trong ba quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia Nguyễn Quốc Vũ, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam chưa thực sự bền vững. Các chỉ số trình độ phát triển của thị trường (giảm từ 43 xuống 49) và sản phẩm sáng tạo (giảm từ 35 xuống 36). Đây là những chỉ số định hướng và quyết định hiệu quả của đổi mới sáng tạo. Ngay cả ở phía các doanh nghiệp, mức độ đổi mới sáng tạo cũng tương đối yếu do số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm tỷ lệ lớn, vốn tít, nhân lực không đủ… nên không có tiềm lực để đổi mới công nghệ.

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam còn ba thách thức lớn phải đối mặt. Đầu tiên là vấn đề nhân sự chất lượng cao. Tiếp đến là vòng đời công nghệ đang thay đổi rất nhanh, Việt Nam cần nguồn lực lớn để theo kịp tốc độ phát triển này. Thứ ba là vấn đề tài chính khi công nghệ là cuộc chơi cần rất nhiều tiền.

Còn theo Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) Phạm Hồng Quất, chính sách cho đổi mới sáng tạo vẫn còn nhiều bất cập. Hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đồng bộ với pháp luật về tài chính, ngân sách, đầu tư, đấu thầu, quản lý tài sản công; chưa phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; chưa có cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu.

Cơ chế, chính sách tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy, nhân lực khoa học và công nghệ còn bất cập, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ hiện còn nhiều vướng mắc trong xây dựng kế hoạch; lập, giao dự toán; thanh quyết toán... Bên cạnh đó, trên thị trường khoa học và công nghệ còn tồn tại nhiều rào cản, vướng mắc, điểm nghẽn.

Đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế

Trong bối cảnh CMCN 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, đổi mới sáng tạo được coi là động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực nghiên cứu về đổi mới sáng tạo.

Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc và Trưởng đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis tham góp, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam cần có sự kết nối chặt chẽ giữa trường đại học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp. Để làm được điều này cần thường xuyên tổ chức diễn đàn, hội nghị để bên phía nhà khoa học được chia sẻ đề tài nghiên cứu, phía doanh nghiệp chia sẻ nhu cầu công nghệ, từ đó tìm đến nhau hợp tác. Sau khi hợp tác, ban đầu triển khai dự án nhỏ để cho thấy sự uy tín từ các bên, sau đó tiến hành dự án lớn dần, như vậy sẽ bền vững và hiệu quả.

Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải triển khai ý tưởng đổi mới sáng tạo của chính mình, rồi mới cùng nhau xây dựng nên những trung tâm đổi mới sáng tạo chất lượng, có ý nghĩa thực tiễn.

Đồng quan điểm, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia Nguyễn Quốc Vũ cho rằng, để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển, Việt Nam cần tập trung hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, cần tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, bao gồm sự kết hợp giữa doanh nghiệp; trường đại học, tổ chức nghiên cứu; chính phủ; chuyên gia đổi mới sáng tạo; các tổ chức hỗ trợ, ương tạo và cộng đồng. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ kiến thức, tài nguyên và kỹ thuật tiên tiến.

Mặt khác, cần hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo ra môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính, đào tạo và tư vấn cho startup và doanh nghiệp công nghệ mới, thành lập quỹ đổi mới sáng tạo. Cần tạo ra các chính sách khuyến khích và giảm rào cản để khởi nghiệp và phát triển công nghệ.

Song song, cần tận dụng tiềm năng của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy đổi mới và nâng cao năng suất. Cần tạo ra chính sách và môi trường thuận lợi để khuyến khích sử dụng và phát triển các công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo, máy móc, blochchain và IoT.

 

Tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới, công nghệ và chuyển đổi số ngày càng được nâng cao và đã cho thấy những tiến bộ vượt trội. Đặc biệt, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 46/132 quốc gia, đứng đầu trong số các quốc gia có thu nhập trung bình thấp trong bộ Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023. Sự tiến bộ này là điều tối quan trọng để Việt Nam đạt được tầm nhìn trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 và Liên Hợp Quốc hỗ trợ hành trình của Việt Nam hướng tới mục tiêu này. Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc và Trưởng đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis nhìn nhận.