Quy hoạch không gian đổi mới sáng tạo

Thuỳ Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Bộ KH&CN công bố chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương, Hà Nội đứng đầu bảng xếp hạng của cả nước.

Để Hà Nội luôn giữ vững được vị trí này, theo các chuyên gia, định hướng quy hoạch phải tạo ra những không gian đô thị mới gắn với công nghệ, việc làm, văn hóa và đặc biệt tạo ra một môi trường sống tốt, an toàn, sáng tạo và thịnh vượng để thu hút nhân tài và nguồn lực toàn cầu.

Tạo không gian đô thị thu hút nhân tài và nguồn lực

Đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội thông tin, thành phố hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (chiếm 26,32% doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước). Đến nay, đã có 32 vườn ươm doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực (chiếm 38,1% tổng số vườn ươm của cả nước). Có 14 tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh (chiếm 40% cả nước).

Chủ tịch Hội Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao đánh giá, Hà Nội luôn là “cái nôi” của đổi mới sáng tạo là bởi ngày càng nhiều hệ sinh thái công nghệ số gồm các trung tâm, viện nghiên cứu, vườn ươm về đổi mới sáng tạo với nguồn nhân lực cao đặt trụ sở tại Thủ đô. Bên cạnh đó, Hà Nội là địa bàn thu hút nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lớn, là khu vực hội tụ những nhân tài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ thông tin.

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Phạm Hùng
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Phạm Hùng

Theo TS Nguyễn Quang - nguyên Giám đốc Chương trình định cư con người Liên Hợp quốc (UN-Habitat), tiềm năng phát triển những không gian sáng tạo và chuyển đổi số cho hội nhập toàn cầu đã hiện hữu ở Thủ đô. Vì vậy, để có thể thu hút được các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời khắc phục được những bất lợi của tình trạng phát triển lộn xộn, dàn trải, Hà Nội cần tạo ra những không gian đô thị mới gắn với công nghệ, việc làm, văn hóa và đặc biệt tạo ra một môi trường sống tốt, an toàn, sáng tạo và thịnh vượng.

Đó là nơi cung cấp các dịch vụ quan trọng về nhà ở, các tiện ích hạ tầng văn hóa - xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, giải trí…), hỗ trợ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, văn hóa và thử nghiệm đổi mới sáng tạo cho các cư dân của khu đô thị và khu vực xung quanh.

Nhưng quan điểm phát triển phải là “thuận thiên”, thuận quy luật tự nhiên, nhu cầu của người dân và các động lực thị trường chứ không phải duy ý chí. Mô hình đô thị cũ chỉ tập trung vào nhà ở (cao tầng, biệt thự và liền kề) đi kèm dịch vụ hiện khó có thể thu hút được các nhà đầu tư sáng tạo, dựa trên khởi nghiệp và trí thức, có khả năng kết nối toàn cầu. Quy hoạch các khu vực phát triển đô thị và công nghiệp cần phải có cách tiếp cận mới dựa trên nguyên tắc lấy con người nằm trong hệ sinh thái làm trung tâm.

TS Nguyễn Quang nêu, bài học kinh nghiệm của khu đô thị tri thức - One North (Singapore) và thành phố công nghệ số DMC (Hàn Quốc), kết nối làn sóng công nghệ cùng làn sóng văn hóa gắn với mô hình đô thị hóa kiểu mới có thể được áp dụng sáng tạo ở Hà Nội, tạo ra những không gian đô thị sáng tạo có khả năng thu hút nhân tài và nguồn lực toàn cầu trong trào lưu của cuộc cách mạng 4.0.

Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý, mục tiêu sử dụng công nghệ kỹ thuật số cuối cùng hướng tới kết quả chứ không phải việc áp dụng công nghệ. Chuyển đổi công nghệ số không loại bỏ nhu cầu lập quy hoạch, quản trị, quản lý tài chính và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực hiện có.

Do đó, Hà Nội cần xây dựng lộ trình phù hợp cho quy hoạch tổng thể thành phố thông minh trong tương lai để giải quyết các thách thức của đô thị hóa và tận dụng các giá trị gia tăng của việc kết nối vốn văn hóa, xã hội và công nghệ của mình.

Việc áp dụng nhiều công nghệ thông minh có thể làm cho thành phố trở nên hòa nhập hơn, an toàn, linh hoạt và bền vững hơn, nhưng chúng nên được phổ biến rộng rãi hơn và có giá cả phải chăng hơn để có thể tiếp cận nhóm người nghèo, người dễ bị tổn thương. Chính quyền Hà Nội các cấp cần xây dựng quan hệ đối tác với các doanh nghiệp, giới học thuật và cộng đồng xã hội để thực hiện mục tiêu này.

Tập trung cho hạt nhân Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, đã đưa ra định hướng giải pháp, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học.

Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Hà Nội cũng đã đưa ra định hướng đến năm 2050 Hà Nội có 2 vùng động lực phát triển Thủ đô là tại khu vực thành phố Bắc sông Hồng và khu vực thành phố phía Tây với định hướng đô thị Hòa Lạc là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo giáo dục chất lượng cao; nơi tập trung những trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, trung tâm thí nghiệm, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, với chính sách ưu tiên để thu hút nhân lực chất lượng cao, cùng doanh nghiệp đến làm việc, sinh sống.

Tuy nhiên, hiện nay việc tổ chức quản lý vận hành, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vẫn còn chưa được như kỳ vọng và chưa đạt mục tiêu đề ra, nhiều bất cập, hạn chế, điểm nghẽn và nút thắt nảy sinh.

Hạ tầng đang xây dựng dở dang vì thiếu vốn, hạ tầng trong các phân khu chức năng chưa hoàn thiện. Hạ tầng bên trong khu công nghệ cao, cũng như hạ tầng kết nối trong nội khu và nội khu với bên ngoài, do sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư nên đầu tư còn manh mún, dàn trải…

TS Hà Huy Ngọc (Viện Kinh tế Việt Nam) nhận định, từ tổng quan, phân tích kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc còn thiếu những yếu tố quyết định thành công của một trung tâm khoa học công nghệ tiên tiến, đẳng cấp quốc tế bao gồm: môi trường sống (nhà ở, y tế, giáo dục, giải trí, …); hệ sinh thái (các doanh nghiệp cung cấp nhiều dịch vụ cần thiết trong chuỗi cung ứng); nhân tài (các chuyên gia công nghệ và quản trị,…); công trình xây dựng (không gian làm việc, hạ tầng kỹ thuật,…) và hỗ trợ của Nhà nước (ưu đãi về thuế, đất, quy định pháp luật, thủ tục hành chính…).

Chính vì vậy, khi UBND TP Hà Nội chính thức nhận bàn giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ KH&CN vào tháng 11/2023, kỳ vọng đây sẽ là dấu mốc để thành phố triển khai các định hướng quy hoạch, xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành trung tâm, đô thị khoa học - công nghệ, giáo dục hiện đại mang tầm khu vực của vùng động lực phía Tây, có ảnh hưởng trực tiếp, to lớn đến tăng trưởng kinh tế và phát triển toàn Vùng.

 

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được tổ chức lại, phân cấp, phân quyền, có chiến lược đầu tư hấp dẫn, cùng với các thể chế đầu tư vượt trội sẽ là điểm thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao vào Thủ đô Hà Nội, trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, đô thị khoa học - công nghệ, văn hóa - giáo dục của vùng động lực phía Tây của thành phố, có ảnh hưởng trực tiếp, to lớn đến tăng trưởng kinh tế và phát triển toàn vùng.

TS Hà Huy Ngọc - Viện Kinh tế Việt Nam