Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm giàu từ nghề nuôi ong lấy mật

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một xã vùng đệm của Vườn Quốc gia Ba Vì, có diện tích rừng lớn, vài năm gần đây, người dân xã Vân Hòa, huyện Ba Vì đã phát huy lợi thế này, tập trung phát triển nghề nuôi ong lấy mật, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 Nghề nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Vân Hòa.
Ông Bùi Quốc Khánh, thôn Bặn đã gắn bó với nghề nuôi ong mật gần 20 năm nay. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ong của mình, ông Khánh cho biết: Nuôi ong không khó, quan trọng là mình phải hiểu được tập tính của loài vật này, biết cách tách đàn để vừa giảm tải cho các thùng ong vừa tạo thêm đàn mới cho ong sinh sản. Ngoài nguồn thức ăn từ các rừng, vườn cây ở địa phương, ông Khánh đã di chuyển đàn ong của mình đến các địa phương lân cận. Hiện nay gia đình ông đang nuôi 200 đàn, với giá bán 150.000 đồng/lít mật, mỗi năm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Là một hộ cũng khá thành công từ nghề nuôi ong mật, ngoài việc nuôi ong lấy mật, hàng năm anh Nguyễn Văn Linh còn nhân đàn để bán ong giống, vì vậy hiệu quả kinh tế cũng cao hơn. “Nghề nuôi ong mật không đòi hỏi nhiều nhân lực, đầu tư không cao mà lại cho nguồn thu nhập khá. Hiện gia đình tôi có 170 đàn ong, mỗi năm cũng thu về xấp xỉ 200 triệu đồng từ bán ong giống và mật ong” – anh Linh bộc bạch.

Để liên kết những hộ nuôi ong với nhau, Hội Nông dân xã Vân Hòa đã tạo điều kiện cho những người nuôi ong trong xã thành lập Câu lạc bộ nuôi ong với 18 hội viên. Đây là nơi để các hội viên chia sẻ kỹ thuật nuôi ong, giúp nhau lúc thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, các hộ trong câu lạc bộ có tổng số 1.125 đàn ong đang cho khai thác mật. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2018, toàn xã đã khai thác được hơn 7.800 lít mật, cho thu nhập trên 1 tỷ đồng. Bình quân thu nhập của các hộ nuôi ong đạt hơn 90 triệu đồng/người/năm.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Hòa Lê Trung Kiên cho biết: Mật ong được nuôi tại các cánh rừng, không chịu tác động từ hóa chất, ô nhiễm nên chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhờ phát triển nghề này đã giúp cho nhiều gia đình trong xã thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, mở ra hướng làm giàu cho những hộ nông dân ít vốn.
Tuy nhiên, để phát triển hiệu quả nghề nuôi ong, chính quyền địa phương cần hỗ trợ quảng bá, xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. “Thời gian tới, Hội sẽ chủ động phối hợp Hội Nông dân huyện Ba Vì hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp cho các hộ nuôi ong, đồng thời chủ động cùng với Hội Nuôi ong Ba Vì liên kết, nhân rộng nghề ra toàn xã” – ông Kiên cho biết thêm.