Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm giàu từ những chiếc lồng chim sắt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở thôn Cao Dương, xã Cao Dương,Thanh Oai, Hà Nội, anh Nguyễn Văn Tiến là gương thanh niên làm kinh tế giỏi.

Từ bé, anh là đứa trẻ chăm chỉ và đặc biệt rất yêu thích những chiếc lồng chim. Có lần vì mải ngắm lồng chim của một cửa hàng trên phố Vác mà anh đã bị muộn mất buổi học. Học hết phổ thông, anh quyết định xin vào làm ở một xưởng sản xuất lồng chim để học nghề và cũng để thỏa niềm đam mê của mình. 

Nghĩ là làm, năm 2005 anh thuyết phục bố mẹ vay mượn họ hàng được hơn 30 triệu đồng làm vốn mở xưởng sản xuất lồng chim sắt. Xưởng sản xuất lồng chim của anh là một trong những mô hình đầu tiên sử dụng vật liệu thép kết hợp với máy móc. Anh chia sẻ, việc thử sức với một dòng sản phẩm mới là một việc làm mạo hiểm. Tất cả các khâu từ thiết kế kiểu dáng, mẫu mã, nguyên vật liệu rồi đến kỹ thuật đều do anh tự mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra. Loạt hàng đầu tiên hoàn thành cũng là lúc anh đến với những thử thách mới. Do sản phẩm mới, người tiêu dùng còn lạ nên rất khó tiêu thụ. Không nản chí, anh Tiến lặn lội đi khắp các chợ, các cửa hàng quanh vùng để giới thiệu sản phẩm. Kết quả của chuyến hàng đầu tiên anh bị lỗ 5 triệu đồng.

 
Nguyễn Văn Tiến bên sản phẩm lồng chim của mình.
Nguyễn Văn Tiến bên sản phẩm lồng chim của mình.
Thất bại này đã cho anh bài học quý giá. Để sản phẩm hoàn hảo hơn anh đã vào miền Nam học kỹ thuật tráng nhựa. Sau nửa năm, loạt hàng tráng nhựa đầu tiên với đủ màu sắc bắt mắt đã ra đời và được thị trường chấp nhận với hàng chục mẫu với nhiều kiểu dáng khác nhau như hình tròn, hình ngôi nhà, hay hình lâu đài… mỗi loại lồng dành cho một loại chim khác nhau. 

Sau 10 năm gây dựng, hiện nay cơ sở sản xuất lồng chim của anh Tiến có hệ thống nhà xưởng rộng 600m2. Mỗi ngày, xuất ra thị trường khoảng 300 chiếc lồng có giá dao động từ 90.000 – 130.000 đồng, tùy theo kích cỡ to hay nhỏ, mang lại doanh thu trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Gần đây, anh Tiến còn tạo ra những chiếc lồng để nuôi thỏ và chim bồ câu là những sản phẩm rất thân thiện và hữu ích với người nông dân. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, anh Tiến còn tích cực dạy nghề cho nhiều người và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động với mức lương từ 3 – 6 triệu đồng/người/tháng. 

Mong ước lớn nhất hiện nay của anh Nguyễn Văn Tiến là mở rộng quy mô để giải quyết việc làm cho thêm nhiều lao động địa phương. Nói về thành công của mình, anh Tiến chia sẻ: “Vạn sự khởi đầu nan, mỗi lần vấp ngã, tôi coi đó như là thử thách mà mình cần phải vượt qua”. Đó được coi là hình ảnh đại diện cho lớp thanh niên nông thôn mới, năng động, sáng tạo, khát khao vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp.