Tại phiên xử này, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tập trung làm rõ hành vi gian dối của các bị cáo trong các hợp đồng xuất khẩu thuốc lá để nhận tiền hoàn thuế thông qua lời khai của hai bị cáo Lâm Tuấn Phát và Nguyễn Ngọc Mẫn.
Theo hồ sơ vụ án, Công ty CP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn là công ty của Nhà nước do Lê Dũng (tức Lê Phi Long) làm giám đốc. Lợi dụng chính sách của Nhà nước trong việc khuyến khích xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài và hoàn thuế (giá trị gia tăng) GTGT cho các DN xuất khẩu, Trần Thị Bích Tuyền - Giám đốc Công ty TNHH Đại Đắc Tài và Lâm Tuấn Phát - Giám đốc Công CP Cảnh Phong tìm cách quan hệ với Lê Dũng để ký hợp đồng mua, bán thuốc lá khống của Hứa Châu - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm Kim Ngọc, ký hợp đồng xuất khẩu thuốc lá cho một công ty tại Campuchia. Sau khi hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu thì chuyển cho Lê Dũng để làm thủ tục hoàn thuế. Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc các hợp đồng xuất khẩu thuốc lá đều là hợp đồng khống thì thực chất bên trong những lô hàng được xuất đi là cái gì? Bị cáo Nguyễn Ngọc Mẫn cho biết, theo thông tin từ phía Campuchia thì bên trong các lô hàng được xuất đi thực chất toàn trấu và cát. Để làm được điều này, tháng 5/2011, sau khi thực hiện việc mua bán thành công lô hàng 500 thùng thuốc lá đầu tiên, Lê Dũng đã gặp Trần Thị Bích Tuyền để bàn cách thức làm hồ sơ xuất khẩu. Trả lời câu hỏi của HĐXX về cách thức hợp lý hóa đơn GTGT để hoàn thuế, bị cáo Lâm Tuấn Phát khai, đã bàn bạc với Trần Thị Bích Tuyền lập hồ sơ khống xuất khẩu hàng sang Campuchia rồi sử dụng làm hồ sơ xin hoàn thuế GTGT. Sau đó, 2 bị cáo này đã thống nhất tìm cách tiếp cận, đặt vấn đề “hợp tác” với Lê Dũng. Sau đó, Lê Dũng ký 145 hợp đồng ngoại thương khống với nội dung bán thuốc lá và các mặt hàng thực phẩm khác cho Tuyền thông qua pháp nhân của 2 công ty do Tuyền quen biết ở Campuchia. Tiếp đó, trong khoảng thời gian từ tháng 5/2011 - 9/2013, Lê Dũng chỉ đạo Lê Tiến Cường đến Công ty Lâm Kim Ngọc bàn bạc với Hứa Châu về việc ký hợp đồng mua bán thuốc lá khống để chiếm đoạt gần 150 tỷ tiền hoàn thuế GTGT. Để việc làm ăn được “trót lọt”, Trần Thị Bích Tuyền và các đồng phạm khác đã móc nối, chi tiền cho các công chức Hải quan thuộc Cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực IV-TP Hồ Chí Minh, Cửa khẩu Khánh Bình và Cửa khẩu Tịnh Biên - tỉnh An Giang để ký thủ tục thông quan khống cho các tờ khai xuất khẩu hàng hóa của Công ty CP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn. Chính việc làm này đã tạo điều kiện cho Tuyền và các đồng phạm thực hiện “trót lọt” hành vi chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Trước đó, vào cuối ngày xét xử đầu tiên (8/6), đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo với các mức án như sau: Bị cáo Lâm Văn Giao - nguyên Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hà Tiên từ 5 - 6 năm tù; Võ Văn Toàn - nguyên Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc gia Giang Thành từ 6 - 7 năm tù; Hoàng Văn Chung, Nguyễn Văn Trung, Lê Văn Dũng, Lâm Văn Xầm từ 4 - 5 năm tù; Bùi Thanh Vũ từ 3 - 4 năm tù; Lê Văn Lương, Võ Văn Hiếu, Nguyễn Đông Thắng từ 24 - 30 tháng tù… Tranh luận tại Tòa, các luật sư cho rằng, ngành thuế đã không làm hết trách nhiệm nên mới dẫn đến sự việc này. Nguyên nhân là bởi cán bộ hải quan không thể làm hết các bước thủ tục để DN hoàn thuế… Từ những quan điểm này, các luật sự yêu cầu HĐXX cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong vụ án, đồng thời trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm tránh làm oan sai cũng như bỏ lọt tội phạm. Đáp lại quan điểm trên của các luật sư, đại diện Viện Kiểm sát cho biết, tới đây, Viện kiểm sát sẽ kết hợp với Cơ quan điều tra xem xét lại quy trình của ngân hàng, ngành thuế trong vụ án này và nếu cơ quan nào sai thì sẽ xử lý sau.
Bị cáo Lê Dũng - Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn được lực lượng công an dẫn giải về trại giam. |