Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm rõ hơn các quy định đào tạo ngành sức khỏe

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Nguyễn Minh Lợi - Phó Cục trưởng Cục Khoa học và Đào tạo (Bộ Y tế) kiến nghị, việc xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của GDĐH ngành sức khỏe theo hướng mang tính đặc thù.

Tại Hội nghị Tổng kết thực hiện Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 25/9, đại diện cho Bộ Y tế, ông Lợi khẳng định, đặc thù đào tạo nhân lực y tế luôn gắn với các cơ sở thực hành. Vì thế, ngoài những quy định liên quan đến giáo dục đào tạo, nhà trường đào tạo ngành sức khỏe cũng phải thực hiện các yêu cầu về hành nghề chuyên môn y tế (Luật Khám bệnh, chữa bệnh). Ông Lợi cũng đề nghị cần làm rõ hơn những đặc thù đối với đào tạo nhân lực y tế để lấy làm cơ sở thực hiện.
Sức khỏe là ngành đặc thù, do đó các quy định trong Luật GDĐH cần được chi tiết hóa. Nguồn: Internet.
Cơ sở thực hành trong ngành sức khỏe, nhất là đối với lĩnh vực khám, chữa bệnh thực hiện tại bệnh viện nên phải được coi như bộ phận không thể tách dời trong đào tạo. Đồng thời, phải được đánh giá như một cơ sở tham gia đào tạo nhân lực y tế. Giảng viên cơ sở thực hành là bệnh viện phải có kỹ năng giảng dạy lâm sàng. “Theo quy định của Bộ GD&ĐT, tiêu chuẩn giảng viên phải được đào tạo về sư phạm bậc một, bậc hai. Tuy nhiên, giảng viên giảng dạy tại cơ sở thực hành có gắn với người bệnh và chuyên môn y tế nên cần phải có các quy định liên quan đến tiêu chuẩn giảng viên chuyên ngành”, ông Lợi kiến nghị.
Đại diện cho Bộ Y tế đề nghị, Luật GDĐH sửa đổi phải thể chế hóa những quy định trong Quyết định 1981/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân quy định trình độ ĐH từ 3 - 5 năm. Cũng như cần có quy định cụ thể trình độ tương đương với trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở một số ngành, chuyên môn đặc biệt, thực hiện theo Quyết định 1982/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt khung trình độ quốc gia...

“Trong Luật chỉ ghi chức danh hoặc học vị khi tốt nghiệp một trình độ đào tạo. Còn muốn đạt được chức danh bác sĩ hay dược sĩ thì cần đạt đủ những tiêu chuẩn mới được phép hoạt động chuyên môn”, ông Minh Lợi đề nghị.

Ông Lợi đồng ý với việc có Hội đồng trường trong cơ sở GDĐH. Tuy nhiên, cần làm rõ cơ chế hoạt động giữa Đảng ủy - Ban giám hiệu - Hội đồng trường để tránh chồng chéo. Ví dụ, Hội đồng trường đưa ra nghị quyết nhưng Đảng chỉ đạo toàn diện. Bí thư Đảng ủy lại là hiệu trưởng, trong khi hiệu trưởng chỉ là thành viên Hội đồng trường dẫn đến bất cập trong quá trình thực thi quản trị tại cơ sở đào tạo.

Việc xác định mở trường, ngành đào tạo cần gắn với những quy định nhân lực chung. Việc này để tránh tình huống hiện nay là các cơ sở đào tạo muốn mở trường hay mở ngành hầu hết tập trung ở các TP lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh).

Ông Lợi kiến nghị, trong Luật GDĐH sửa đổi cần phải làm rõ hơn vai trò của cơ quan quản lý chuyên ngành trong hoạt động tổ chức đào tạo nói chung. Đặc biệt là đào tạo nhân lực y tế để đảm bảo tính đặc thù và thống nhất trong quá trình chỉ đạo... Đồng thời, những bất cập trong quy định giảng viên chuyên ngành cần phải đưa ra bàn thảo, giải quyết để đảm bảo tính đồng bộ trong đào tạo nhân lực y tế.