Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm rõ trách nhiệm cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm khi ra thị trường

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, ngày 2/11, các ĐB Quốc hội tại Tổ Hà Nội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng việc ban hành luật là cần thiết, bởi đây là đạo luật rất nhân văn, trong đó nội dung bao quát của dự thảo luật lần này tập trung bảo vệ quyền của người tiêu dùng cá nhân - đối tượng dễ bị tổn thương.

Các ĐB Quốc hội tại tổ Hà Nội thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Các ĐB Quốc hội tại tổ Hà Nội thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Một số ý kiến đề nghị rà soát đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nhất là đối với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với Bộ luật Dân sự, Luật Trọng tài thương mại và các luật có liên quan.

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Anh Trí quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở lĩnh vực nhạy cảm (Điều 7). ĐB nêu dẫn chứng liên quan đến sử dụng tế bào gốc, chi phí hàng trăm triệu đồng nhưng hiệu quả thấp. ĐB giải thích, tế bào gốc được biết đến là “thần dược” dùng để ghép điều trị các bệnh về máu nhưng không phải lĩnh vực nào cũng có tác dụng. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải có biện pháp bảo vệ người tiêu dùng để không lãng phí tiền của vào những sản phẩm kém chất lượng.

ĐB Nguyễn Anh Trí phát biểu thảo luận
ĐB Nguyễn Anh Trí phát biểu thảo luận

Về khái niệm “người tiêu dùng”, quy định tại Điều 3, một số ĐB đề nghị cần làm rõ, bởi theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tập trung bảo vệ người tiêu dùng cá nhân và đối tượng yếu thế, trong khi đó, khái niệm người tiêu dùng có phạm vi rộng, bao gồm cả người tiêu dùng là tổ chức và người tiêu dùng cá nhân.

ĐB Đỗ Đức Hồng Hà nhấn mạnh, khái niệm “người tiêu dùng” quy định trong luật chưa rõ, chưa phù hợp với điều kiện hiện tại, nhất là với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Người tiêu dùng trong hình thức giao dịch truyền thống có nhiều khác biệt với giao dịch mới, như giao dịch trên nền tảng số, giao dịch trên internet, vì vậy cần sửa đổi cho phù hợp hơn.

Các ĐB Quốc hội tại Tổ Hà Nội
Các ĐB Quốc hội tại Tổ Hà Nội

ĐB cũng cho rằng, khái niệm “quyền lợi người tiêu dùng” được coi là linh hồn của luật, nếu không giải thích rõ ràng sẽ không thể áp dụng, không đảm bảo tính khả thi, nhất là các quy định về tư pháp để bảo vệ người tiêu dùng. Chỉ khi xác định được khái niệm quyền lợi người tiêu dùng thì mới đảm bảo tính khả thi, đề nghị ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Khẳng định pháp luật ngày càng bảo vệ cuộc sống con người vì có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, ĐB Thích Bảo Nghiêm nêu thực thế thời gian qua có nhiều đối tượng lợi dụng lòng tin của người dân để hành nghề mê tín dị đoan, bán thuốc, xem bói… làm ảnh hưởng đời sống người tiêu dùng, do vậy cần bổ sung chế tài, quy định nhằm ngăn chặn hiện tượng này.

Trong khi đó, ĐB Dương Minh Ánh cho rằng, pháp luật chưa có tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 17 về hành vi cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh từ chối nhận lại hàng hóa, hoặc yêu cầu thanh toán chi phí đối với trường hợp người tiêu dùng đơn phương chấm dứt hợp đồng theo khoản 4, Điều 39 của dự thảo luật; yêu cầu người tiêu dùng đặt cọc, thanh toán, thực hiện hợp đồng trong thời gian người tiêu dùng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng theo khoản 2, Điều 14 của dự thảo luật, nhằm nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, là cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù.

ĐB Vũ Tiến Lộc 
ĐB Vũ Tiến Lộc 

Tại quy định về xử lý tranh chấp trong dự thảo luật, ĐB Vũ Tiến Lộc đánh giá cao ban soạn thảo đã nêu tương đối cụ thể, dày dặn, trong đó ưu tiên sử dụng phương thức xử lý tranh chấp, từ việc thương lượng, hòa giải đến xử lý tranh chấp tại tòa án.

ĐB Tạ Đình Thi đánh giá cao dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bổ sung một số quy định mới bảo vệ người tiêu dùng yếu thế. ĐB đề nghị đặc biệt quan tâm bảo vệ nhân phẩm, quyền của người tiêu dùng, đảm bảo an toàn thông tin cá nhân. Đặc biệt, các chế tài xử lý phải đủ sức răn đe, đủ mạnh để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng.

ĐB Trương Xuân Cừ nêu quan điểm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chủ yếu xoay quanh 3 đối tượng là người tiêu dùng, người sản xuất và người phân phối. Tuy nhiên, các quy định về trách nhiệm, quyền hạn, xử lý chưa sâu, chưa rõ, nên luật khó đi vào cuộc sống.

ĐB Trương Xuân Cừ thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). 
ĐB Trương Xuân Cừ thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). 

Vì vậy, ĐB đề nghị cần bổ sung quy định về quyền được tư vấn của người tiêu dùng, nhất là người cao tuổi, người yếu thế, người dễ bị tổn thương; quy định rõ trách nhiệm của người sản xuất và phân phối hàng giả, hàng kém chất lượng; đồng thời cần có quy định về vai trò của tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, ban mặt trận của tổ dân phố trong việc tham gia bảo vệ người tiêu dùng….

ĐB Trương Xuân Cừ nêu ví dụ hiện nay nhiều người cao tuổi mắc các bệnh nền, vì vậy, các sản phẩm về thuốc nếu không được tư vấn thì rất khó lựa chọn. “Trong luật nêu ra các đối tượng dễ bị tổn thương, nhưng cụ thể với từng đối tượng thế nào lại chưa rõ, nên cần phải làm rõ thêm” - ĐB đề nghị.

ĐB Phạm Đức Ấn phát biểu thảo luận
ĐB Phạm Đức Ấn phát biểu thảo luận

Phát biểu thảo luận, ĐB Phạm Đức Ấn cho biết, chúng ta luôn nói đến khái niệm “người tiêu dùng thông minh”, song trên thực tế, không phải ai cũng hiểu được sản phẩm mình mua và sử dụng có độc hại hay không... Vì thế, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan trong quản lý chất lượng sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng hiện nay.