Làm tốt quy chế dân chủ tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 12/12, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn đã chủ trì tiếp Đoàn đại biểu Ban Chỉ đạo thực hiện Dân chủ ở cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh đến trao đổi kinh nghiệm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đoàn Ban Chỉ đạo thực hiện Dân chủ ở cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh do Trưởng ban Dân vận Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc.
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc.

Nhiều kết quả nổi bật

Báo cáo một số kết quả nổi bật trong xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở của thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Vũ Hà cho biết: Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, từ năm 2022 đến nay, các địa phương đã thực hiện tốt công tác tiếp công dân với 6.694 lượt người, tiếp nhận 5.079 đơn (trong đó, đã giải quyết 2.425 đơn, đang giải quyết 2.652 đơn).

Từ 2021 đến nay, các Ban Thanh tra Nhân dân đã tổ chức 12.567 cuộc giám sát, phát hiện 1.566 vụ việc vi phạm, kiến nghị với chính quyền các cấp, các cơ quan có thẩm quyền; được các cấp chính quyền và cơ quan chức năng xem xét, giải quyết 1.446 vụ việc (đạt 92,3%). Các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tham gia giám sát 6.224 công trình, dự án, qua đó, phát hiện 524 vụ vi phạm, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời 498 vụ.

Ngoài ra, các Ban Thanh tra Nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng còn phối hợp giám sát trên các lĩnh vực: Quản lý trật tự xây dựng 1.745 vụ; quản lý đất đai 528 vụ; thực hiện dân chủ ở cơ sở 950 vụ và 381 vụ việc ở các lĩnh vực khác.

Việc thực hiện QCDC gắn với công tác cải cách hành chính được các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập chú trọng. Theo đó, đã đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết TTHC nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Duy trì và thực hiện tốt việc tiếp nhận hồ sơ hành chính và trả kết quả theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Năm 2022, chỉ số cải cách hành chính - PAR INDEX đạt 89,58 điểm, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2021; chỉ số SIPAS đạt 80,16%, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Hà Nội năm 2022 đạt 43,90/80 điểm, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại buổi làm việc.
Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại buổi làm việc.

Đáng chú ý, việc công khai dân chủ trong công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục được các địa phương quan tâm thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật và quy chế đã ban hành với nhiều hình thức như niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố. Trong công tác quản lý trật tự xây dựng, các cơ sở đã nghiêm túc thực hiện việc niêm yết công khai các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực trật tự xây dựng. Các công trình xây dựng không phép, không niêm yết giấy phép được chính quyền kiên quyết xử lý, yêu cầu chấp hành đúng quy định.

Ngoài bộ quy chế mẫu của Thành phố, một số địa phương đã chủ động triển khai thực hiện QCDC trong một số loại hình mới như: Quận Hoàn Kiếm xây dựng QCDC trong công tác đảm bảo an sinh xã hội; quận Long Biên đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện QCDC trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, công tác quản lý trật tự đô thị và công tác bảo vệ môi trường; huyện Thanh Trì xây dựng và thực hiện QCDC trong công tác quản lý đất đai.

Tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Mạnh Cường đánh giá cao sự tập trung, quyết liệt rất lớn của đội ngũ cán bộ Thành phố Hà Nội, từ lãnh đạo Thành phố xuống tận các quận, huyện, phường, xã. Theo đồng chí, chính sự tập trung, quyết liệt đó đã góp phần vào sự phát triển của Thủ đô.

Từ những cách làm, kinh nghiệm hay của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh sẽ học tập, áp dụng vào thực tiễn của địa phương mình. Đồng thời khẳng định, việc thực hiện QCDC tại cơ sở sẽ tạo sự đồng tình, ủng hộ, thống nhất, trong đó, rất cần sự đồng tâm, quyết liệt của đội ngũ lãnh đạo, đội ngũ công chức ở từng cơ quan để hiện thực hóa từng chủ trương, định hướng của Đảng, Thành phố.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cảm ơn những đánh giá, ghi nhận của Đoàn công tác thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời khẳng định, thông qua việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở đã góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân. Tạo động lực quan trọng thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Cảm ơn những chia sẻ, trao đổi tại buổi làm việc, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn mong muốn hai bên sẽ tiếp tục có những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện tại cơ sở dưới nhiều hình thức khác nhau, mục đích tham gia đóng góp nhiều hơn nữa trong nhiều lĩnh vực của Thành phố để có thể làm tốt hơn, có hiệu quả hơn, trách nhiệm hơn với Đảng bộ, chính quyền Thành phố. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu Đảng bộ, chính quyền hai thành phố đã đề ra.