Thúc đẩy chuyển đổi số
Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Tiến Sỹ, trong 10 tháng 2023, toàn ngành TT&TT đã đoàn kết, quyết tâm khắc phục khó khăn, đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tăng cường kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TT&TT trên địa bàn Thủ đô.
Cụ thể, về công tác chỉ đạo, điều hành, ngay từ những ngày đầu năm 2023, Sở TT&TT đã chủ động, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ được Thành ủy, UBND Thành phố, Bộ TT&TT giao. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và tăng cường kiểm tra công vụ. Quán triệt và nghiêm cấm các hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc.
Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, Sở TT&TT đã phối hợp các đơn vị liên quan tích cực tham mưu Thành phố triển khai Nghị quyết số 18 NQ/TU Thành ủy về Chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đã phổ biến, tuyên truyền, hỗ trợ triển khai Nghị quyết, thúc đẩy chuyển đổi số tới các quận, huyện, sở ngành...
Phối hợp với các doanh nghiệp triển khai cấp gần 39.000 chữ ký số miễn phí cho công dân Hà Nội. Tổ chức các sự kiện lớn về chuyển đổi số, ATTT: Hội nghị Hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số thành phố Hà Nội và phát động thi đua nước rút hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023; Hội nghị An toàn thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội năm 2023 (Dự kiến trong tháng 12/2023); Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023 ...
Về lĩnh vực viễn thông, Sở TT&TT đã phối hợp cùng các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn Thành phố bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong các sự kiện lớn của Thành phố. Chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông phối hợp trong công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thành phố qua SMS.
Về kinh tế số, xã hội số, Sở TT&TT đã thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố. Ngày 7/10, Sở đã chủ trì, phối hợp UBND quận Hoàn Kiếm, Ngân hàng nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội, Sở Công thương tổ chức sự kiện “Phát động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm”. Đây là một trong những hoạt động tiêu biểu trong chuỗi các hoạt động, sự kiện của Thành phố hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Quốc gia 10/10, “Tháng 10 - Tháng Tiêu dùng số” và là sự kiện mở đầu cho việc triển khai diện rộng thanh toán không dùng tiền mặt tại tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của Thủ đô.
Về công tác báo chí, truyền thông, trong 10 tháng năm 2023, Sở TT&TT đã phối hợp cùng các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh triển khai công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của TP Hà Nội. Có thể kể đến như: Công tác lập Quy hoạch Thủ đô; xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô ... Phối hợp Văn phòng UBND Thành phố thực hiện tốt công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và xử lý thông tin báo chí.
Lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cũng được Sở TT&TT tăng cường rà soát, phối hợp xử lý đối với các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có dấu hiệu “báo hóa” trên địa bàn Thành phố. Lập danh sách và mời các đơn vị quản lý 30 trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có dấu hiệu “báo hóa” trên địa bàn thành phố Hà Nội lên làm việc, căn cứ vi phạm chuyển Thanh tra Sở hồ sơ xử phạt 7 doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp.
Thẩm định 234 video clip trên Youtube, TikTok và 1 bài viết trên tài khoản Facebook có nội dung xấu, độc gửi Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đề nghị Công ty Google gỡ bỏ. Tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, đặc biệt là quảng cáo xuyên biên giới (quảng cáo tự động của GoogleAdSense, MGiD) đặc biệt là các hành vi vi phạm về quảng cáo sản phẩm, dịch vụ bị cấm; quảng cáo sản phẩm, dịch vụ tài chính bất hợp pháp; quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật. Rà soát 155 trang thông tin điện tử tổng hợp của 92 đơn vị, chuyển hồ sơ 17 trang thông tin điện tử tổng hợp có dấu hiệu quảng cáo cho Thanh tra Sở để kiểm tra, xử lý theo quy định.
Về tình hình hoạt động của 8 cơ quan báo chí thuộc Hà Nội, Sở TT&TT đánh giá các đơn vị đã bám sát tôn chỉ, mục đích; tích cực đổi mới hình thức tuyên truyền; thông tin kịp thời, toàn diện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội; đồng hành cùng các cấp, các ngành Thành phố thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu; phát huy mạnh mẽ vai trò tích cực của cơ quan truyền thông trong việc giám sát, định hướng dư luận tạo đồng thuận xã hội. Đối với những vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm, các cơ quan báo chí Thành phố đã kịp thời có những bài viết phân tích, định hướng dư luận về các chủ trương, chỉ đạo của thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí Thành phố đã thực hiện tốt cơ chế tự chủ về tài chính; tích cực đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại để tăng khả năng thu hút sự quan tâm của độc giả; tập trung hướng tới xây dựng cơ quan báo chí đa phương tiện, chú trọng phát triển mảng nội dung số.
Thực hiện chuyển đổi số theo 3 có, 4 không
Nói về nhiệm vụ trọng tâm trong 2 tháng cuối năm 2023, Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, đơn vị sẽ tập trung hoàn thành xây dựng Đề án Thành phố thông minh thành phố Hà Nội; Rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung Danh mục cơ sở dữ liệu của thành phố Hà Nội. Tham mưu xây dựng bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số các cơ quan nhà nước thuộc Thành phố; xây dựng Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2024.
Đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, sản phẩm Make in Việt Nam và hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số, trong đó tập trung hoàn thiện trình ban hành và tổ chức triển khai các Kế hoạch sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành các Chiến lược quốc gia.
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, KT-XH của Thành phố trên báo chí và hệ thống thông tin cơ sở; Phối hợp Văn phòng UBND Thành phố tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội (định kỳ và đột xuất); Tham mưu UBND Thành phố và phối hợp, hướng dẫn các cơ quan của Thành phố thực hiện tốt công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và xử lý thông tin báo chí.
Bên cạnh đó là tăng cường quản lý nhà nước lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; tuyên truyền, lan toả thông tin về các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Thành phố trên trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; đấu tranh hiệu quả với các quan điểm sai trái, kịp thời ngăn chặn, bóc, gỡ những thông tin xấu, độc tác động tiêu cực đến cộng đồng trên không gian mạng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nhấn mạnh, với Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Hà Nội đã xác định hai chuyển đổi quan trọng là xanh và bền vững. Và để thực hiện được hai chuyển đổi này thì chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc.
Bản chất của chuyển đổi số là phương thức mới, cách làm mới và đặc biệt là nhận thức mới cùng đổi mới tư duy. Nói về chuyển đổi số thì nghe có vẻ trừu tượng nhưng nội dung triển khai thì rất cụ thể và đã được Hà Nội xác định rõ, gồm: số hoá, kết nối chia sẻ và lựa chọn công nghệ.
Là đơn vị tham mưu chính cho UBND TP về công tác chuyển đổi số, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải lưu ý Sở TT&TT cần cương quyết thực hiện theo nguyên tắc 3 có và 4 không. Trong đó, 3 thứ phải đảm bảo là nhân lực số, hạ tầng kết nối - trung tâm dữ liệu và hành lang pháp lý. 4 không gồm: xử lý không giấy tờ, họp không gặp mặt, thủ tục không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt.
Cùng với đó, phương châm hành động với chuyển đổi số cần tập trung vào 7 khía cạnh. Gồm: Nhận thức đầy đủ, tầm nhìn dài hạn, tư duy sáng tạo, giải pháp thông minh, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất và phục vụ nhân dân.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho rằng, dù làm gì thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Lãnh đạo các đơn vị thực hiện chuyển đổi số không chỉ cần chọn đúng người mà cần trao niềm tin, cho điểm tựa cũng như đánh giá chất lượng qua sản phẩm cụ thể, có thể đo đếm được.
Đối với các cán bộ tham gia quá trình chuyển đổi số cũng cần truyền cảm hứng tới toàn bộ người dân, sao cho ai cũng biết, hiểu, đồng thuận và tự nguyện. Khi đó chuyển đổi số mới thực sự hiệu quả.
Đánh giá cao về những kết quả mà Sở TT&TT đã làm được trong 10 tháng 2023, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho rằng đơn vị đã có nhiều đổi mới, sáng tạo cũng như thay đổi về nhận thức và tư duy. Mong muốn trong thời gian tới Sở sẽ tiếp tục quyết tâm làm tốt nhất các nhiệm vụ của người làm chuyển đổi số, lan toả tư tướng đến toàn bộ hệ thống, thẩm thấu vào từng con người, văn hoá, sản phẩm để truyền cảm hứng tới người dân.