Nét đẹp trong đời sống Thủ đô
Gia đình 12 thành viên của ông Nguyễn Văn Suối (76 tuổi, thôn Đồng Vũ, xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa) luôn đầy ắp tiếng cười. Bốn thế hệ cùng sống chung, để duy trì được hạnh phúc thì mỗi người đều phải vừa nghĩ đến hạnh phúc cá nhân, vừa nghĩ đến những người xung quanh. Những yếu tố gốc của văn hóa gia đình Việt Nam được phát huy tối đa.
Chia sẻ về cách gìn giữ hạnh phúc gia đình, ông Nguyễn Văn Suối cho biết: “Gia đình tôi 2 đời đã sống tứ đại đồng đường, đời bố tôi và tôi. Trong cuộc sống mỗi người một suy nghĩ, công việc khác nhau nên phải tôn trọng quyền cá nhân, phải quan tâm, chia sẻ khó khăn, cởi mở, vui vẻ, thắng thắn góp ý sai trái, bảo ban chân thành. Ở tuổi này, tôi thấy rất hạnh phúc vì mọi người trong gia đình yêu thương, tôn trọng nhau”.
7 thành viên trong gia đình cùng tham gia sinh hoạt, biểu diễn nghệ thuật rối nước, đại gia đình NNƯT Nguyễn Thị Thỏa (SN 1965, thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh) đã cùng nhau miệt mài giữ lửa nghệ thuật rối nước truyền thống của quê hương.
Các con, cháu trong gia đình và em trai, em gái NNƯT Nguyễn Thị Thỏa đều tham gia những lớp đào tạo khóa hát - thoại, biểu diễn rối nước. Nhiều cháu đã tham gia biểu diễn và sinh hoạt ở địa phương. “Gia đình chính là nơi khởi nguồn, nuôi dưỡng, vun đắp đam mê với nghệ thuật múa rối nước, nơi trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của chúng tôi” - NNƯT Nguyễn Thị Thỏa chia sẻ.
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, các giá trị gia đình đang đối mặt với nhiều thách thức. Có thể thấy, để giữ gìn tổ ấm, mỗi gia đình đều có những có bí quyết riêng, qua đó góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội.
Nhiều cách làm, kinh nghiệm hay
TP Hà Nội thực hiện công tác gia đình gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo ra phong trào thi đua sôi nổi ở các khu dân cư. Qua đó, nhiều quận, huyện, thị xã và cơ sở đã có những cách làm, kinh nghiệm hay, sáng tạo trong tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử tốt đẹp trong gia đình.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hoà Ngô Tiến Hoàng, gia đình là nơi khởi nguồn và hình thành nhân cách của mỗi con người. Tình cảm gia đình là cơ sở tốt đẹp, bền vững của tình cảm vợ chồng, cha con, anh em, các thế hệ cùng chung sống.
Chính vì vậy, huyện Ứng Hòa luôn quan tâm, chỉ đạo công tác xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn huyện. Đây được xác định là yếu tố hàng đầu trong việc xây dựng các mô hình văn hóa khác, là tiền đề quan trọng trong quá trình đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Bên cạnh đó, hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), nay năm, nhiều quận, huyện trên địa bàn Thủ đô đã tổ chức sôi nổi các hoạt động. Quận Ba Đình và các đoàn thể đã tổ chức cuộc thi vẽ tranh “Gia đình Hà thành – Văn minh – Hạnh phúc” và cuộc thi ảnh “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, nói chuyện chuyên đề tuyên truyền hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam. Ngoài ra còn có các buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em trước tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em trên địa bàn phường của phường Ngọc Hà, hội nghị tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, nói chuyện chuyên đề “Ngôn ngữ yêu thương – Gắn bền hạnh phúc”…
Tại huyện Thanh Trì, xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” là một trong những nội dung cốt lõi của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Từ sự chung tay của các cấp, ngành, và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở huyện ngày càng phát triển sâu rộng. Nhiều cách làm sáng tạo được nhân rộng như: phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”; “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”...
Có thể thấy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác gia đình đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ, góp phần tích cực vào xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại.