Những người ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng
Câu chuyện của bà Phan Thị Phúc (Tổ dân phố 13, phường Láng Hạ, quận Đống Đa), người thành lập Đội văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội, người mẹ hiền luôn cất giấu những ước muốn riêng tư để vun vén cho mỗi bước đi của những đứa trẻ khuyết tật khiến người nghe xúc động.
Cứ vào sáng Chủ nhật hàng tuần, bà cần mẫn dạy múa hát, kỹ năng sống miễn phí cho trẻ em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, giúp các em hòa nhập cộng đồng trong hơn 20 năm qua. “Nghệ thuật có thể giúp các em hòa nhập xã hội nhưng không thể giúp các em kiếm sống. Vì vậy, tôi kết hợp việc dạy nghệ thuật và dạy những nghề đơn giản, vừa sức cho các em. Đa phần các em đều tìm được công việc nuôi sống bản thân, nhiều em đã xây dựng gia đình, có cuộc sống hạnh phúc như mong muốn” - bà Phúc chia sẻ.
Lãnh đạo báo Kinh tế & Đô thị, Ban Thi đua khen thưởng TP và các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: Thanh Hải |
Với ông Lưu Viết Thục, người chiến sĩ năm xưa dù đã ở tuổi 75, với cơ thể bị ảnh hưởng chất độc da cam nhưng đều đặn hàng ngày, bất kể nắng, mưa, ông vẫn tình nguyện phân luồng giao thông trên đoạn đường liên thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì.
Mỗi khi đoạn đường không xảy ra ùn tắc, ông lại làm công tác “vá đường”, tranh thủ bốc đất đá, san phẳng những ổ gà để mọi người lưu thông an toàn. “Với tôi, công việc này không hề vất vả mà còn ngập tràn niềm vui vì đã giúp đỡ được những người xung quanh” - ông Thục nói.
Hiệu quả từ những sáng kiến
Đó còn là câu chuyện của ông Nguyễn Mạnh Hoạt - Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 7, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, người đã có sáng kiến “Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dân cư ở Tổ dân phố”. Nhờ sáng kiến của ông, công tác quản lý dân cư rõ ràng, minh bạch và có hiệu quả, tránh được những nhầm lẫn về số liệu theo cách quản lý ghi chép sổ sách trước đây.
Hay với chị Lê Hoàng Phương - Trưởng nhóm Tình nguyện thu gom rác thải điện tử tại nhà, nhận thấy, mối nguy hại của rác thải điện tử, nhóm dành thời gian ngoài giờ làm việc của cơ quan, tình nguyện tới từng gia đình thu gom miễn phí đưa về điểm xử lý của TP Hà Nội theo đúng quy trình. Đến nay, sau hơn một năm, việc làm của nhóm đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của đông đảo người dân.
Chính những tấm gương đời thường ấy đã và đang góp phần khơi dậy ý thức, hành động đẹp trong mỗi con người Thủ đô, để mỗi ngày, mỗi cá nhân thêm dạt dào cảm xúc được chắp bút viết lên những câu chuyện đẹp lan tỏa trong cộng đồng. Đây là những nhân tố sống động nhất, là động lực để phong trào thi đua NTVT của TP ngày càng hiệu quả hơn.
Theo Trưởng ban TĐKT TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng, với mong muốn tuyên truyền, giới thiệu gương ĐHTT, NTVT, nhân rộng, lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu, báo Kinh tế & Đô thị đã đề cập và phối hợp với Ban TĐKT TP Hà Nội tổ chức cuộc thi, các cuộc tọa đàm, giao lưu.
Qua đó đã phát hiện các gương ĐHTT, NTVT, nối dài cánh tay trong việc nâng cao chất lượng về khen thưởng của các đơn vị. Năm 2015 là năm đầu tiên Ban TĐKT thực hiện cuộc thi phát hiện gương NTVT, nay là cuộc thi viết về gương ĐHTT, NTVT. Cuộc thi đã ngày càng phát triển mạnh mẽ, mỗi năm đã có gần 2.000 gương NTVT, ĐHTT được phát hiện, khen thưởng kịp thời.