Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lan tỏa vào đời sống những mô hình thiết thực

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Học và làm theo tư tưởng Bác về công tác dân vận, năm 2024, các đơn vị tại TP Hà Nội đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, với nhiều cách làm, mô hình thiết thực và sát với đời sống đã đem lại lợi ích cho Nhân dân, góp phần giải quyết nhiều việc mới và khó.

Sát với đời sống

Thấm nhuần tư tưởng của Bác: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”; “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, tại Hà Nội, cấp ủy, chính quyền từ TP đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, giải quyết hiệu quả những vấn đề thiết thực đến đời sống của dân;

Quan tâm lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng của Nhân dân, kịp thời điều chỉnh những chủ trương, cách làm không phù hợp. Đặc biệt, năm 2024, làm theo tư tưởng, phong cách của Bác trong công tác dân vận, nhiều mô hình hay, cách làm mới đã được triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị.

Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Hải Linh
Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Hải Linh

Tại quận Hoàn Kiếm, thời gian qua, quận thực hiện dân vận chính quyền gắn với nhiệm vụ về chuyển đổi số trên cả ba lĩnh vực: chính quyền số, xã hội số, công dân số. Trong đó, toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức của quận đã được cấp và sử dụng chữ ký số, giúp thực hiện tốt việc trả kết quả điện tử khi giải quyết thủ tục hành chính. Quá trình sử dụng lại các dữ liệu lưu trữ đã rút ngắn, đơn giản hóa được nhiều thủ tục cho người dân, DN.

Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến, giải pháp mới trong công tác cải cách hành chính cũng được áp dụng. Nổi bật là chuyên đề “Các thủ tục hành chính không chờ”, đến nay hơn 70% số hồ sơ thực hiện tại bộ phận “Một cửa” của các phường đều được thực hiện và trả ngay, không có giấy hẹn, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân.

Công tác dân vận tại huyện Ba Vì chú trọng vào khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện đã xây dựng được 575 mô hình “Ngõ, xóm liên gia tự quản” ở 7 xã miền núi; thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, xây dựng, phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín ở các xã miền núi.

Hệ thống dân vận cùng tham gia vận động đồng bào tích cực tham gia sản xuất với nhiều mô hình phát triển kinh tế ở các xã miền núi đạt hiệu quả như: nghề thuốc nam ở xã Ba Vì; nuôi ong lấy mật ở xã Khánh Thượng; sản xuất miến dong ở xã Minh Quang…, đưa thu nhập bình quân đầu người các xã miền núi đạt 62 triệu đồng/người/năm.

Cùng với đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của TP thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng đa dạng, thiết thực, hướng về cơ sở, quan tâm đến lợi ích, nguyện vọng của người dân. Hệ thống dân vận các cấp TP sâu sát hơn, gắn bó hơn với các cấp chính quyền cơ sở, nhất là những vấn đề đang được quan tâm như cải cách hành chính, quản lý đất đai, trật tự đô thị, GPMB… việc này nhằm tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý của chính quyền các cấp.

Lan tỏa vào đời sống

Từ những kết quả đã có, tiếp tục tăng cường học và làm theo tư tưởng của Bác trong công tác dân vận, các đơn vị tại TP tiếp tục xác định việc tăng cường theo dõi, nắm tình hình Nhân dân, để tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân. Trong đó, để lắng nghe những ý kiến từ cơ sở, việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, với cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân được tăng cường.

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã phối hợp giám sát 10.665 cuộc; tổ chức 803 cuộc góp ý phản biện; tổ chức hai hội nghị tiếp xúc, đối thoại cấp TP; 35 hội nghị cấp quận, huyện, thị xã và 525 hội nghị cấp xã, phường, góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận từ cơ sở. Chính việc dân vận tốt, nắm chắc tình hình, dự báo một cách khoa học, chính xác, góp phần giải quyết kịp thời những vụ việc ngay từ cơ sở, tránh phát sinh thành “điểm nóng”.

Đồng thời với đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đang được đẩy mạnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện để tạo sức lan tỏa thiết thực. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hà Nội có tổng số 24.254 mô hình “Dân vận khéo” từ cấp cơ sở đến cấp TP được đăng ký triển khai. Ban Dân vận Thành ủy đã triển khai sâu rộng phong trào và Hội thi “Dân vận khéo” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô từ thôn, tổ dân phố, góp phần tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân.

Một số mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu, mang lại hiệu quả tích cực trong thực tiễn như: “Cổng trường an toàn văn minh”, “Bóng đèn an ninh”, “Vì môi trường mạng xã hội bình yên” của Công an TP; “Dân vận khéo trong vận động Nhân dân bàn giao mặt bằng để thi công công trình” của Đảng ủy Công ty CP Tập đoàn Cienco 4; “Hàng cây đại đoàn kết”, “Vận động Nhân dân xóa điểm tập kết rác, xây dựng vườn hoa, sân chơi” của các quận Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai…

Đặc biệt, việc đẩy mạnh công tác dân vận gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và TP. Trọng tâm là thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị, môi trường, triển khai các dự án trọng điểm, giải ngân vốn đầu tư công... Công tác dân vận, các mô hình “Dân vận khéo” được xây dựng gắn với đời sống của người dân, trong đó có nhiều mô hình là người đang trực tiếp đảm nhận công việc chuyên môn thực hiện, đã tránh được tính hình thức và nâng cao hiệu quả học Bác trong lĩnh vực này.