Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làng chài Vạn Vỹ - giấc mơ an cư không còn dang dở

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều năm mong mỏi được lên bờ, an cư lạc nghiệp của 32 hộ dân làng chài Vạn Vỹ (xã Trung Châu, huyện Đan Phượng) đã thành sự thật.

Tuy vậy, hành trình từ có "tấc đất cắm dùi" đến một ngôi nhà nhỏ để an cư không thể thực hiện một sớm một chiều. Vì vậy, các giải pháp sinh kế ổn định cho người dân một đời gắn bó với sông nước này là rất cần thiết để họ có cuộc sống ổn định lâu dài.

Hàng chục hộ dân làng chài Vạn Vỹ vẫn phải sống trên thuyền bè dù đã được chính quyền xã Trung Châu hỗ trợ đất ở. Ảnh: Lâm Nguyễn  
Hàng chục hộ dân làng chài Vạn Vỹ vẫn phải sống trên thuyền bè dù đã được chính quyền xã Trung Châu hỗ trợ đất ở. Ảnh: Lâm Nguyễn  

Từ chính sách "có một không hai"

18 giờ tối, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thủy (sinh năm 1995) chèo thuyền vào bờ sau một ngày lênh đênh trên sông Hồng khai thác thủy sản tự nhiên và chăm nuôi 7 lồng cá. Cuối năm 2021, anh Thủy cất được ngôi nhà mái bằng trên bờ nên hai vợ chồng không còn phải ăn ở, ngủ nghỉ trên sông nước.

“Trên mảnh đất được chính quyền địa phương hỗ trợ, hai vợ chồng cố gắng vay mượn, kết hợp với khoản tiền nhỏ tích góp được để dựng nhà. Ngôi nhà dù nhỏ nhưng kiên cố giúp cuộc sống của chúng tôi tốt hơn nhiều so với trước đây…” - anh Thủy cho hay.

Gia đình anh Thủy là một trong 32 hộ dân làng chài Vạn Vỹ được chính quyền địa phương cấp đất an cư có thu tiền sử dụng nhưng không qua đấu giá. Chính sách hỗ trợ an cư được xem là “có một không hai” và giàu tính nhân văn của huyện Đan Phượng biến giấc mơ có được “tấc đất cắm dùi” của cư dân làng chài Vạn Vỹ trở thành hiện thực.

Chủ tịch UBND xã Trung Châu Đỗ Trung Thành cho biết, ba năm về trước, trên cơ sở mong mỏi của 32 hộ dân làng chài Vạn Vỹ, địa phương đã xây dựng đề án, trình UBND huyện Đan Phượng chấp thuận chủ trương cấp đất an cư cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Chủ trương sau đó đã được UBND huyện thống nhất cao, đồng ý cho phép triển khai.

Từ chủ trương nhân văn, trên cơ sở tham mưu của xã Trung Châu, UBND huyện Đan Phượng đã bố trí quỹ đất hơn 2.000m2 ven sông Hồng nằm không cách quá xa làng chài; đầu tư kinh phí gần 3,7 tỷ đồng phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng khu định cư cho người dân làng chài Vạn Vỹ.

Đến nay, 32 hộ dân với 155 nhân khẩu ở làng chài Vạn Vỹ đã được cấp đất ở. Bà con chỉ phải đóng kinh phí xây dựng hạ tầng tương ứng 1,74 triệu đồng/m2. Ông Trần Văn Túc, một trong những hộ dân làng chài được cấp đất ở bày tỏ biết ơn đối với chính sách an sinh xã hội đầy nhân văn của xã Trung Châu.

“Chúng tôi rất vui vì được chính quyền địa phương quan tâm. Nếu không có sự hỗ trợ thiết thực của UBND xã Trung Châu và huyện Đan Phượng, không biết đến khi nào những cư dân làng chài như chúng tôi mới có được một ‘tấc đất cắm dùi’…” - ông Túc cho hay.

Đến sẻ chia đáng quý

Niềm vui mà 32 hộ dân làng chài Vạn Vỹ có được bên cạnh nỗ lực lớn của chính quyền địa phương, còn phải nhắc tới sự đồng cảm, tấm lòng sẻ chia của người dân trên địa bàn xã Trung Châu. Có những cán bộ thôn, là cư dân làng chài còn gương mẫu đi đầu để có thể cụ thể hoá chính sách hỗ trợ trên.

Trưởng thôn Vạn Vỹ Nguyễn Văn Được cho biết, làng chài thực tế có 55 hộ dân sinh sống. Đến nay nhiều gia đình đã chắt chiu được tiền của, mua đất dựng nhà trên đất liền. 32 hộ dân thuộc diện được hỗ trợ an cư là có điều kiện khó khăn hơn cả.

Để triển khai chính sách an cư cho các hộ dân làng chài, chính quyền địa phương đã phải họp bàn nhiều lần. Tất cả cư dân làng chài đều được tham gia, đóng góp ý kiến, bày tỏ nguyện vọng, kiến nghị đề xuất. Việc triển khai các bước được thực hiện công khai, minh bạch và bảo đảm quyền lợi cho tất cả các hộ dân có liên quan.

“Chính sách dành cho cư dân làng chài, nhưng những hộ đã an cư từ trước đó đều bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao, không đòi hỏi quyền lợi khi nghe lãnh đạo địa phương tuyên truyền, vận động. Sự ủng hộ, thống nhất cao của các hộ giúp quá trình thực hiện chính sách an cư cho người dân làng chài Vạn Vỹ thuận lợi hơn…” - ông Được cho hay.

Để có được quỹ đất hơn 2.000m2 phục vụ xây dựng hạ tầng khu định cư cho cư dân làng chài, xã Trung Châu cũng đã phải thu hồi đất nông nghiệp của hàng chục hộ dân. Ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Vạn Vỹ, cho biết may mắn khi tất cả các hộ thuộc diện thu hồi đều ủng hộ chủ trương của thôn, xã; đồng ý chuyển đổi sản xuất và bàn giao diện tích canh tác nông nghiệp ven bãi sông Hồng cho chính quyền địa phương.

“Sự gặp gỡ của ‘‘ý Đảng, lòng dân” đã giúp chủ trương, chính sách mang tính nhân văn của chính quyền địa phương đi vào cuộc sống. Nếu không có các tầng lớp Nhân dân ủng hộ thì cư dân làng chài Vạn Vỹ chưa chắc đã có được ngày hôm nay…” - ông Nguyễn Văn Hải chia sẻ.

Ngoài khai thác và nuôi trồng thuỷ sản, người dân làng chài Vạn Vỹ trồng thêm rau màu, cây ăn quả ngắn ngày để mưu sinh. Ảnh: Lâm Nguyễn  
Ngoài khai thác và nuôi trồng thuỷ sản, người dân làng chài Vạn Vỹ trồng thêm rau màu, cây ăn quả ngắn ngày để mưu sinh. Ảnh: Lâm Nguyễn  

Khát khao một “ngôi nhà nhỏ”

Xuân Nhâm Dần 2022 vừa qua là năm thứ hai gia đình anh Vũ Văn Mạnh (sinh năm 1988) được ăn Tết trên bờ. Ngôi nhà hai tầng khang trang đối với vợ chồng anh giống như “giấc mơ đã thành sự thật”. Cuối năm 2018, đầu năm 2019, hộ anh Mạnh là một trong 32 gia đình ở làng chài Vạn Vỹ được cấp đất sử dụng có thu tiền nhưng không qua đấu giá.

Niềm vui của 5 hộ dân như anh Mạnh cũng là nỗi niềm trăn trở của 27 gia đình khác nơi làng chài Vạn Vỹ. Ông Nguyễn Văn Hoa, năm nay ngoài 60 tuổi, là người đã gắn bó một đời trên sông nước. Giống như nhiều hộ dân khác, ông Hoa đã quá quen với cuộc sống lênh đênh, nay đây mai đó, không điện, thiếu nước sạch và mọi thứ đều tạm bợ.

Ngày mới được cấp đất, ông Hoa rất vui mừng. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, khi ông không biết sẽ lấy đâu ra kinh phí để có thể dựng được một ngôi nhà nhỏ. Hiện nay, hai vợ chồng ông vẫn phải ngụ cư trên thuyền bè. Ngày được an cư cũng chưa thể nói trước sẽ đến khi nào.

Chưa có nhà để ở, nhiều hộ dân làng chài Vạn Vỹ tranh thủ tận dụng diện tích đất được giao để trồng mảnh rau, nuôi con gà, bổ sung thêm nguồn thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày. Các hộ dân đều cố gắng chắt chiu để tích luỹ kinh tế, với mong ước một ngày không xa sẽ thực sự được “lên bờ”.

Nhanh tay gỡ lưới, bắt từng con cá, chị Nguyễn Thị Xoa (sinh năm 1997) cho biết, người dân làng chài Vạn Vỹ vẫn trông nhiều vào nguồn thu từ con nước. Nhưng con nước khi xuống lúc lên, khiến nguồn thu nhập đã thấp lại chẳng ổn định. “Nhiều năm về trước nước sông Hồng lớn, tôm cá nhiều. Nay dòng sông ngày càng cạn kiệt, thuỷ sản cũng ngày một ít đi…” - chị Xoa bộc bạch.

Tại làng chài Vạn Vỹ hiện có khoảng 20 lồng nuôi thủy sản, nhưng kỹ thuật nuôi trồng của người dân nhìn chung còn rất hạn chế. Một số hộ đầu tư mua thuyền vận tải để chở hàng thuê, nhưng do phải vay lãi nên thu nhập chưa cao. Hiện, nhiều người trẻ không còn gắn bó với nghề chài lưới; hàng ngày lên bờ, lao vào chốn phồn hoa, đô thị đông đúc, ai thuê gì làm nấy để mưu sinh.

Đối với nhiều hộ dân làng chài Vạn Vỹ, từ mảnh đất cắm dùi đến một ngôi nhà nhỏ để an cư chắc chắn là câu chuyện chưa thể trở thành hiện thực ngay trong một sớm, một chiều. Với những người một đời gắn bó trên sông nước, sinh kế ổn định là điều họ mong mỏi nhất vào lúc này, để có thể sớm hiện thực hoá giấc mộng an cư. Và điều đó, sẽ cần thêm những chính sách hỗ trợ thiết thực, sát sườn từ chính quyền các cấp.

 

Được an cư, có nhà mới để ở, dù nhỏ nhưng kiên cố là niềm hạnh phúc của những người đã gắn bó một đời trên sông nước như chúng tôi. Quan trọng hơn là thế hệ con cháu sau này sẽ được đến trường và không còn phải lênh đênh trên sông nước nữa…

Bà Trần Thị Thuật (62 tuổi), một cư dân làng chài Vạn Vỹ

 

 

Đối với cư dân làng chài Vạn Vỹ, địa phương thường xuyên quan tâm, tặng quà cho các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn vào những dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, kinh phí hỗ trợ nhà ở thì vượt quá khả năng của địa phương. Hy vọng sẽ có nhiều nhà hảo tâm biết đến, hỗ trợ thêm tài chính để các hộ sớm được an cư…

Bí thư Đảng ủy xã Trung Châu Đỗ Văn Đang