Tết Giáp Ngọ 2014 này, về thăm làng Dừa, chúng tôi vẫn thấy bóng dừa xanh mát, song điều ấn tượng hơn là niềm hân hoan của người dân khi xã đã cán đích xây dựng nông thôn mới.
Vui nếp sống mới
Yên Sở những ngày cuối tháng Chạp luôn hối hả trước không khí chuẩn bị đón Tết. Con đường bê tông rộng rãi hàng chục mét luôn sạch sẽ, những ngôi nhà cao tầng khang trang nối tiếp nhau được sơn sửa lại tươi mới đón xuân. Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất của chính quyền và người dân nơi đây những ngày đầu xuân là việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ngày càng đi vào nền nếp. Rót chén trà nóng mời khách, Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở Nguyễn Đăng Hoan vui vẻ thông báo nhanh: "Toàn bộ 5/5 trường hợp người qua đời trên địa bàn xã trong tháng 1/2014 đều thực hiện hỏa táng và tổ chức đám tang theo nếp sống văn minh, đạt tỷ lệ 100%".
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang luôn được coi là nhiệm vụ khó ở hầu hết các địa phương vì nó liên quan đến phong tục, tập quán và nếp nghĩ của người dân. Bởi thế, Đảng ủy, UBND xã Yên Sở đã định hướng phải tuyên truyền sâu rộng tới Nhân dân bằng nhiều biện pháp, nhiều kênh khác nhau, trong đó Hội Người cao tuổi đi đầu vận động hội viên trước khi qua đời để lại di chúc cho con cháu phải thực hiện hỏa táng. Ngoài ra xã còn mời cả nhà sư về tuyên truyền, nói chuyện với người dân, rồi trực tiếp các lãnh đạo xã tiên phong đi đầu trong thực hiện nếp sống mới. Cụ thể, tính đến nay, 4/5 đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã có bố mẹ qua đời đều thực hiện hỏa táng. Đặc biệt, mọi thủ tục cho các hộ gia đình làm hỏa táng đều được đơn giản hóa tối đa. "Bất kể là sớm hay tối, nửa đêm, gà gáy thì cán bộ một cửa và tư pháp đều phải có mặt làm việc, giúp gia đình có người qua đời làm thủ tục cắt khẩu, hoàn thiện hồ sơ để làm hợp đồng hỏa táng kịp thời" - ông Hoan cho biết.
Mưa dần thấm lâu, rồi cán bộ, đảng viên làm gương nên người dân trên địa bàn xã ngày càng đồng tình, ủng hộ việc thực hiện tang văn minh. Bởi thế, hiện nay Yên Sở là một trong những địa phương có tỷ lệ hỏa táng cao nhất toàn TP. Đơn cử, năm 2012, tỷ lệ hỏa táng của xã đạt 74%, năm 2013 là 70,3%.
Không chỉ việc tang, việc cưới ở Yên Sở giờ đây cũng bớt đi nhiều thủ tục ăn uống rườm rà và giảm đáng kể chi phí tổ chức. Theo đó, thay vì ăn uống linh đình 2 - 3 ngày như trước kia, mỗi đám cưới hiện nay chỉ tổ chức ăn uống một bữa chính vào ngày đón dâu và mời khách với số lượng hạn chế hơn. Nhiều hộ gia đình còn tổ chức đám cưới cho con em ngay tại nhà văn hóa thôn, vừa có được không gian rộng rãi, khang trang, thuận tiện cho việc tiếp khách, vừa mang tính cộng đồng sâu sắc…
Nét đẹp ngày xuân
Không khí xuân đã tràn ngập khắp các nẻo đường của xã Yên Sở, ấm áp sắc màu của những cành đào phai, những chậu quất vàng rộm và rộn rã tiếng cười nói của lũ trẻ con khoe quần áo mới. Những cửa hàng bán mứt Tết, bánh kẹo, hàng hóa phục vụ nhu cầu ngày Tết trên trục đường chính gần UBND xã lúc nào cũng đông nườm nượp khách ra vào. Thế nhưng, tinh thần ăn Tết vui tươi, tiết kiệm vẫn được nhiều người dân tâm niệm. Chị Nguyễn Thị Hằng, thôn 3, xã Yên Sở phấn khởi chia sẻ, năm nay gia đình chị đã nuôi được hơn chục con gà ngon để ăn Tết, mỗi con tầm 3 - 3,5kg. Do đó, chị chỉ cần mua sắm thêm một chút đồ khô, bánh kẹo cho gia đình. "Kinh tế khó khăn nên những gì thực sự cần thiết thì mua, còn thứ hàng xa xỉ quá thì thôi, miễn sao ăn Tết vui tươi, đầm ấm là được" - chị Hằng chia sẻ.
Điểm đáng ghi nhận của Yên Sở là không phải đến khi được chọn là xã điểm nông thôn mới của huyện hay có Chỉ thị của Thành ủy về việc thực hiện cưới, tang văn minh mới được đưa ra bàn thảo, mà cách đây gần hai chục năm, vấn đề này đã được người dân đồng thuận và đưa vào hương ước của làng. Trong đó quy định rõ, các gia đình không để người chết quá 24 giờ, đồng thời giảm ăn uống cỗ bàn linh đình, chỉ gói gọn thành phần con cháu trong gia đình. Ông Nguyễn Bá Tần, thôn 3, có chị gái qua đời đã thực hiện hỏa táng tâm sự, nhờ có nếp sống mới trong việc tang, gia đình đã giảm được rất nhiều chi phí cỗ bàn, lễ lạt. Hơn nữa, việc hỏa táng còn đảm bảo vệ sinh, tiết kiệm diện tích đất chôn cất nên đa số mọi người đều đồng tình, ủng hộ.
Kết quả điều tra 841 hộ dân tại 9 thôn về mức độ hài lòng của cộng đồng dân cư trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương của xã Yên Sở, có 98% số người được hỏi hài lòng về công tác tuyên truyền, vận động người dân; 94,2% số người được hỏi hài lòng về chất lượng các công trình đã xây dựng và phát huy tác dụng trong sản xuất, đời sống; 100% số người được hỏi đều đánh giá cao vai trò hoạt động của Đảng, các tổ chức chính trị, xã hội trong xã... |
Ông Trần Hữu Thụ - Trưởng thôn 3, xã Yên Sở cho biết, để đảm bảo cho Nhân dân đón Tết an toàn, lành mạnh, Công an xã phối hợp với thôn đã tổ chức cho 100% các hộ dân ký cam kết không vận chuyển, tiêu thụ và đốt pháo nổ. Đồng thời các cụm dân cư, các tổ chức đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên đã lên kế hoạch triển khai các hoạt động văn hóa, thể thao trong dịp Tết. Bởi vậy, đến Yên Sở vào những ngày Tết sẽ thấy hình ảnh của những trò chơi dân gian như đập niêu, đánh đu… náo nức diễn ra như hơi thở Tết quê còn lắng đọng lại và được gìn giữ qua các thế hệ.
Bên cạnh đó, các nhà văn hóa thôn đều được chỉnh trang, chuẩn bị chu đáo cho các hoạt động vui chơi, giải trí của người dân. Do có tầm nhìn xa trông rộng, từ hàng chục năm trước, lãnh đạo xã Yên Sở đã quy hoạch quỹ đất công, giữ lại toàn bộ sân kho, cơ sở vật chất của các HTX nông nghiệp. Đến khi triển khai xây dựng nông thôn mới, quỹ đất này được dùng để xây trường học và nhà văn hóa các thôn, cụm dân cư mà không phải lo chuyện bồi thường giải phóng mặt bằng. Về Yên Sở những ngày đầu xuân mới, cả 9 nhà văn hóa các thôn, diện tích bình quân 800 - 1.000m2 đều được quét dọn sạch sẽ, khang trang, trang trí cờ hoa rực rỡ sắc màu. Đây sẽ là một trong những điểm du xuân, vui chơi quan trọng của người dân trên địa bàn trong dịp Tết.
Một nét đẹp văn hóa nữa trong dịp Tết của Yên Sở mà hiếm nơi nào có được là tổ chức mừng thọ cho người cao tuổi rất trang trọng nhưng tiết kiệm, văn minh. Trong khi ở nhiều nơi, việc mừng thọ được tổ chức khá linh đình, tốn kém, trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình nhưng ở Yên Sở từ hàng chục năm trước, vấn đề này đã được quy định rõ ràng trong hương ước thôn, đảm bảo ấm cúng, gọn nhẹ, vui tươi. Theo đó, xã quy định việc tổ chức mừng thọ, khao thọ cho các bậc cao niên chỉ được thực hiện trong duy nhất ngày mùng 4 Tết. Sau khi làm đầy đủ các nghi lễ trang trọng ở khu Quán, địa điểm tâm linh của xã, các bậc cao niên sẽ về nhà chung vui cùng con cháu, không có cảnh mời cỗ rình rang…
Đón Tết Giáp Ngọ trong niềm hân hoan, lãnh đạo và người dân Yên Sở hoàn toàn có thể tự hài lòng về những thành quả mà mình đã đạt được khi xứng đáng là xã điểm nông thôn mới của toàn huyện Hoài Đức.