Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Láng giềng thêm xung khắc

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần thứ 3 trong thời gian ngắn, Ấn Độ quyết định "trục xuất" hàng loạt sản phẩm ứng dụng của nhiều công ty kỹ thuật công nghệ số của Trung Quốc ra khỏi thị trường Ấn Độ. Cho đến nay, phía Trung Quốc cũng đã bị một số đối tác trên thế giới áp dụng biện pháp chính sách với bản chất tương tự nhưng chưa thấy ở đâu với mức độ quyết liệt như Ấn Độ.

Mối quan hệ giữa hai nước láng giềng hiện chỉ vì chuyện này thôi cũng đã không thể được coi là ổn thoả. Quyết sách mới nói trên của Ấn Độ khiến mối quan hệ song phương này thêm trắc trở.
Năm 2020 sắp đi qua ghi nhận là một năm rất sóng gió trong mối quan hệ giữa hai nước. Ấn Độ biện giải cho quyết định cấm nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ số của các hãng của Trung Quốc với lý do lo ngại về an ninh quốc gia như những đối tác khác. Đấy có thể là nguyên do chính nhưng chắc chắn chỉ là một trong nhiều lý do. Sau những gì đã xảy ra từ mùa Hè đến nay ở vùng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, phía Ấn Độ càng thêm coi trọng việc duy trì và gây dựng thêm con chủ bài mới để sử dụng trong việc xử lý các mối quan hệ với Trung Quốc. Xung khắc ở vùng biên giới gia tăng rõ rệt đến như thế thì làm gì có chuyện các mối quan hệ chính trị và hợp tác kinh tế đối ngoại song phương không bị ảnh hưởng tiêu cực. Thiên hạ có thể dễ dàng nhận thấy phía Ấn Độ sử dụng cách thức các đối tác khác đã và đang tiếp tục sử dụng để đối phó Trung Quốc như cấm cửa thị trường nói trên hay đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương với những đối tác có cùng nhu cầu đối phó Trung Quốc như Ấn Độ. Tuy cùng trong nhóm Brics với Trung Quốc nhưng Ấn Độ đâu có hăng hái và chủ động tích cực bằng ở trong khuôn khổ hiện mới còn rất sơ khai được gọi là Tứ giác kim cương. Hơn nữa, Ấn Độ hiện không tham gia RCEP trong khi Trung Quốc là thành viên có trọng lực lớn của RCEP nên Ấn Độ càng cần phải bảo hộ thị trường nội địa trước sản phẩm, hàng hoá của Trung Quốc. Hai láng giềng này còn bất hoà nữa với nhau.