Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lắng nghe dân để ứng xử tốt với di sản

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Giữa lúc dư luận đang xôn xao trước các vi phạm trong công tác trùng tu di tích như: Chùa Trăm Gian (Hà Nội), đình làng Ngu Nhuế (Hưng Yên), di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam)..., sáng 11/6, Bộ VHTT&DL đã tổ chức hội nghị trực tuyến: "Nâng cao chất lượng công tác quản lý và phát huy giá trị di tích" nhằm nhận diện mô hình ban quản lý và cách bài trí tại di tích, tránh việc xâm phạm

"Vướng" đủ đường-

Cho dù, rất nhiều mô hình quản lý di tích được đưa ra làm điển hình, như mô hình quản lý di tích Bà chúa Xứ (An Giang), khu di tích cố đô Huế..., song hầu hết các đại biểu có mặt trong hội nghị đều thống nhất, việc quản lý di tích ở ta hiện còn lộn xộn, chưa có sự thống nhất. Thông thường các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, Ban quản lý (BQL) sẽ trực thuộc Sở VHTT&DL. Có tỉnh lập thêm một hoặc một số ban, trung tâm quản lý trực thuộc UBND tỉnh, TP để quản lý một số di tích đặc biệt. Có tỉnh lại giao cho Công ty Du lịch quản lý di tích, danh thắng, còn các di tích khác do BQL di tích phụ trách. Tuy nhiên, có nơi, như ở xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), có nhiều di tích trên địa bàn nên có nhiều đơn vị quản lý và mỗi đơn vị quản lý một số di tích.

Lắng nghe dân để ứng xử tốt với di sản - Ảnh 1

Một trong những di tích thuộc khu thánh địa Mỹ Sơn.  Ảnh: Hoàng Quân Nam

Ngoài chuyện mô hình quản lý mỗi nơi một kiểu, người làm di tích còn vướng phải hệ quả quản lý của lịch sử. Theo bà Nguyễn Thu Vân, Trưởng phòng Quản lý di tích tỉnh Hà Tĩnh: "Nhiều năm nay, các di tích cấp xã của tỉnh được quản lý theo cách giao khoán cho cá nhân, gia đình, hàng năm thực hiện nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách chi tiêu của địa phương. Chính vì vậy, hầu hết các cá nhân gia đình này đều quan niệm di tích là tài sản riêng của họ nên chúng tôi không thể lập nên một BQL mới. Đứng về mặt quản lý Nhà nước, hình thức giao khoán như trên là không đúng, nhưng làm sao để giải quyết hài hòa bài toán giữa lợi ích cá nhân và lợi ích Nhà nước? Vì thực tế thời gian qua, cá nhân và gia đình có công trong việc bảo quản và gìn giữ di tích đó".

Mô hình quản lý di sản của UNESCO là một bài học xác đáng đối với người làm di sản ở Việt Nam. Bởi, UNESCO đặt ra các tiêu chí rõ ràng khi công nhận các di sản thế giới: Di sản phải có giá trị toàn cầu và nước sở tại phải thống nhất được phương pháp quản lý, đánh giá được các tác động có thể ảnh hưởng đến di tích, có chương trình hành động mang tính quốc gia, có cơ chế báo cáo hàng năm. Và UNESCO sẵn sàng rút danh hiệu nếu trong quá trình quản lý, nước sở tại không đáp ứng được các tiêu chí. PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng: "Chúng ta nên học UNESCO ở các quy định này. Một di sản cấp quốc gia đặc biệt có thể bị rớt xuống là di sản cấp quốc gia nếu trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di tích không đáp ứng được các yêu cầu".

Và với mục đích khảo sát thực tế tại các địa phương về tình hình quản lý di tích để tiến tới thành lập mô hình BQL phù hợp với thực tiễn, vừa qua, Bộ VHTT&DL đã thành lập Ban Nghiên cứu mô hình quản lý di tích do ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Di sản, làm Trưởng ban cùng 8 thành viên khác. Tuy nhiên, theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian: "Chúng ta không thể đưa ra mô hình quản lý duy nhất cho di sản mà phải tùy theo hoàn cảnh của từng địa phương. Bộ VHTT&DL nên nghiên cứu đa dạng các hình thức quản lý lấy hiệu quả làm trọng".

Hậu quả của sự thiếu hiểu biết

Nguyên nhân của những vụ xâm hại di tích, bảo tồn sai quy định không phải do thiếu các văn bản quy định, thiếu mô hình quản lý, mà chủ yếu nằm ở ý thức bảo vệ di sản của người dân và cán bộ quản lý. GS.TS Ngô Đức Thịnh cảm thấy buồn vì các cơ quan truyền thông đã phát hiện ra sai phạm trong công tác trùng tu di tích, chứ không phải người dân hay lực lượng thanh tra. 

"Bảo vệ di sản là một môn khoa học, trong khi chúng ta hiểu về di sản còn yếu. Thế mới có chuyện không ai yêu di sản bằng người dân Bắc Ninh hay vị sư trụ trì chùa Trăm Gian nhưng sai phạm trong công tác trùng tu vẫn xảy ra. Và nguyên do của các hành vi ấy là vì thiếu hiểu biết", GS Thịnh cho biết thêm. GS Trần Lâm Biền thì cho rằng: "Nếu chúng ta lắng nghe dân sẽ có cách ứng xử với di sản tốt hơn. Tôi đã đến nhiều ngôi chùa, nghe người dân tâm sự rằng, trước khi tu bổ được vào chùa như vào nhà mình, sau khi tu bổ chùa là của sư, không là của dân nữa. Tu bổ di sản khác xa với xây dựng cơ bản, đòi hỏi phải có kiến thức về di sản. Nếu người làm tu bổ chỉ chạy đua lấy bằng thì chắc chắn tu bổ sẽ sai lệch".

Xác định vai trò và lợi ích của người dân bên cạnh quá trình bảo tồn tôn tạo di tích, song các đại biểu cũng nhất trí không thể "khoán trắng" việc bảo vệ di sản cho người dân. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên cho biết: "Trong năm 2013, các mô hình quản lý di sản như hiện nay được giữ nguyên, các cơ quan trực thuộc Bộ VHTT&DL, Sở VHTT&DL có chức năng đánh giá lại những mặt tích cực và tiêu cực để điều chỉnh công tác quản lý sao cho tốt hơn. Và vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay là rà soát lại công tác tập huấn về giá trị di sản, sự hiểu biết về các văn bản pháp luật cho các cán bộ quản lý di sản và người dân".