Về làng Cổ Hoàng, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên những ngày này, không khí sản xuất tấp nập chẳng khác gì ngày hội . Nhà nhà đều bận rộn với công việc sản xuất các loại bánh kẹo như lạc, vừng, dồi, chè lam… Dự kiến, làng nghề sẽ cung ứng cho thị trường hàng chục tấn bánh kẹo truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Ông Nguyễn Đăng Khoa có thâm niên 40 năm trong nghề làm kẹo truyền thống chia sẻ, thời điểm này, xưởng sản xuất của gia đình ông phải tăng công suất gấp đôi để kịp đáp ứng các đơn hàng đã nhận. “Hơn một tháng nay, ngày nào bếp cũng đỏ lửa suốt ngày mà vẫn không đủ hàng giao cho khách. Hàng ra lò đến đâu khách hàng đóng gói mang đi đến đó” – ông Khoa cho biết.
Dịp cận Tết Nguyên đán là thời điểm các làng nghề tổ chức sản xuất mạnh nhất trong năm, do đó chúng tôi đang rốt ráo kiểm tra các điều kiện sản xuất như VSATTP, phòng chống cháy nổ, ô nhiễm môi trường… của các cơ sở cũng như cập nhật số cơ sở đang/dừng hoạt động trên địa bàn.Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Đỗ Đức Trung |
Tại làng nghề bánh đa nem Ngự Câu, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, các hộ, xưởng sản xuất cũng tranh thủ ngày đêm đỏ lửa để kịp thời gian giao hàng cho các đại lý tiêu thụ. Từ 4 giờ sáng, anh Nguyễn Văn Hiểu – chủ một cơ sở làm bánh đa nem đã dậy quạt lò, đun nước để tráng bánh, còn vợ pha bột, sắp phên. Do đang vào vụ nên gia đình phải làm tăng công suất gấp 3 – 4 lần ngày thường, bình quân mỗi ngày cho ra lò 1,8 - 2 vạn bánh. Để đáp ứng lượng hàng khách yêu cầu, gia đình anh Hiểu còn phải thuê thêm hai lao động thời vụ.
Mặc dù sản xuất quanh năm nhưng những loại hàng hóa, thực phẩm như miến dong, bánh đa nem... có sức tiêu thụ tăng đột biến trong dịp Tết. Chính vì vậy, người làm nghề cũng làm việc chẳng khác nào cỗ máy chạy đua cùng thời gian. Tuy nhiên, theo phản ánh của các hộ làm nghề, thời tiết tháng Chạp thường rét đậm kèm theo mưa phùn, trời âm u nên ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Vì vậy, các hộ phải khắc phục bằng cách canh thời tiết để điều tiết sản xuất và tranh thủ trời hửng nắng đem phơi ngay sản phẩm miến, bánh vừa tráng.
Chưa hết nỗi loTheo số liệu tổng hợp của Sở Công Thương Hà Nội, hiện trên địa bàn TP có hơn 200 làng nghề chuyên sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, không phải làng nghề nào cũng thực hiện nghiêm quy định về VSATTP. Thực tế qua các đợt kiểm tra mới đây của lực lượng chức năng cho thấy, tại thủ phủ bánh kẹo và thực phẩm phục vụ thị trường Tết ở các xã La Phù, Dương Liễu, Minh Khai (huyện Hoài Đức), vấn đề VSATTP đã chuyển biến tích cực so với những năm trước nhưng cũng chưa hết nỗi lo. Tại các làng nghề miến dong, hầu như không còn các cơ sở sản xuất sử dụng chất tẩy trắng hay nhuộm màu.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc, do nhiều loại thực phẩm có nhu cầu tiêu dùng tăng cao so với ngày thường nên lượng hàng hóa khá lớn, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra. Trong khi đó, nhiều địa phương có các làng nghề lớn dường như còn thờ ơ với việc thanh tra, kiểm tra ATTP, thậm chí thoái thác trách nhiệm cho cơ quan chuyên ngành. Hiện, lực lượng quản lý thị trường đang tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất tại làng nghề, tập trung vào các mặt hàng chủ lực như bánh, mứt, kẹo, rượu, giò chả…
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho hay, việc kiểm tra cơ sở sản xuất nhỏ lẻ tại các làng nghề, khu dân cư được các cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, dịp Tết Nguyên đán, ngoài kiểm tra theo kế hoạch, đơn vị tham gia Đoàn công tác kiểm tra liên ngành về ATTP của TP tập trung kiểm tra chuyên sâu tại các cơ sở chế biến, cửa hàng nông sản thực phẩm, qua đó có những khuyến cáo, định hướng cho người tiêu dùng các địa chỉ tin cậy và công bố những địa chỉ không đảm bảo VSATTP để người tiêu dùng được biết.