Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làng nghề nỗ lực vượt bão dịch

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do tác động của dịch Covid-19, các làng nghề đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ nhân lực, nguyên liệu cho đến đầu ra sản phẩm… Tuy nhiên, các làng nghề truyền thống đều cố gắng duy trì sản xuất, mong tìm kiếm cơ hội bứt phá khi dịch đi qua.

Làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa (Chương Mỹ).
Chồng chất khó khăn
Làng nghề sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín) nổi tiếng với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, phục vụ nhu cầu trang trí nội thất. Hiện, làng nghề có hơn 50 cơ sở sản xuất, tạo công ăn việc làm cho trên 1.000 lao động. Doanh thu năm 2019 của làng nghề đạt 90 tỷ đồng, trong đó 70% từ các đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, sau khi dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động của làng nghề gần như tê liệt, ngưng trệ hoàn toàn. Chủ tịch Hội sơn mài Hạ Thái Đỗ Hùng Chiêu chia sẻ, nhiều đơn hàng đã ký trước đó đều nhận thông báo tạm hoãn. Trong khi đó, thị trường nội địa cũng đìu hiu. “Thu nhập của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nghề sơn mài, nhưng nay không có việc làm nên mọi khoản thu đều bị cắt. Do đó, chúng tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ một phần khó khăn cho người lao động” – ông Chiêu kiến nghị.
Tương tự, tại làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) – nơi tạo công ăn việc làm cho hơn 6.000 lao động và có doanh thu năm 2019 hơn 170 tỷ đồng cũng đang phải sản xuất cầm chừng do thiếu nguyên liệu và hàng không xuất được.
Chủ động điều kiện phục hồi sau dịch
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các làng nghề đều cố gắng chuyển đổi hình thức kinh doanh để duy trì sản xuất. Anh Nguyễn Bá Thắng, chủ một cơ sở sản xuất mây tre đan ở Phú Nghĩa cho hay: “Thời gian này, chúng tôi chủ yếu tập trung sáng tác mẫu mã mới, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bởi nhu cầu của thị trường thay đổi từng ngày, nếu mình cứ đứng yên một chỗ, khi dịch đi qua sẽ không kịp bắt nhịp với yêu cầu mới từ thị trường”.
Làng nghề mộc Vạn Điểm (huyện Thường Tín) thời điểm này cũng vắng tiếng cưa, tiếng đục. Cả dãy phố chuyên bán đồ gỗ sầm uất, sôi động trước kia, nay đều cửa đóng then cài. Anh Nguyễn Bá Bình, chủ một cơ sở sản xuất tại đây bộc bạch, chi phí thuê cửa hàng của gia đình anh là 15 triệu đồng/tháng, nhưng từ ngày dịch bùng phát, lượng khách đến mua hàng giảm mạnh nên anh đóng cửa để giảm chi phí. Mặt khác, cũng là để bảo đảm yêu cầu phòng dịch. Trước tình hình này, anh Bình và các cơ sở tại xã Vạn Điểm đã chủ động chuyển sang bán hàng online. Ngoài ra, các cơ sở cũng tập trung đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ thợ và đầu tư sáng tác các mẫu mã mới. “Anh em chúng tôi vẫn tự tin động viên nhau cố gắng vượt qua bão dịch, chủ động linh hoạt chuyển đổi kinh doanh để đón cơ hội sau khi dịch đi qua” - anh Bình nói.
Chia sẻ về những khó khăn này, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho rằng, hơn lúc nào hết, các làng nghề cần nỗ lực duy trì sản xuất vượt qua bão dịch. Đây cũng là cơ hội để các làng nghề tập trung nâng cao tay nghề, kỹ thuật sản xuất, tìm ra những nguyên liệu mới để nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặt khác cũng cần đáp ứng các yêu cầu trong phòng chống dịch Covid-19.
Trước những khó khăn do dịch bệnh, các cơ sở sản xuất ở các làng nghề đều có mong muốn nhận được sự quan tâm của Nhà nước như hỗ trợ một phần cho lao động không có việc làm, đặc biệt là được tiếp tục giãn nợ và tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi cho hộ sản xuất.

Cái khó nhất của DN hiện nay là giải quyết việc làm cho các lao động. Bởi nếu cho lao động nghỉ việc thì sau khi dịch đi qua, sẽ thiếu hụt một lượng thợ có tay nghề. Do đó, các cơ sở vẫn cố duy trì bằng cách giảm giờ làm, cho lao động nghỉ việc luân phiên. Yêu cầu lao động khi đến làm việc phải bảo đảm phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát trùng và bảo đảm cự ly 2m/người.

Chủ tịch Hội DN làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa Nguyễn Văn Trung