Ông Nguyễn Chí Quân - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, làng nghề Phú Xuyên có vị trí đặc biệt quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện tại, toàn huyện có 124 làng làm các nghề sơn mài, khảm trai, mộc gia dụng, mây tre giang đan, da giày…, trong đó có 38 làng được công nhận là làng nghề truyền thống. Đến nay, có 19/28 xã, thị trấn có tỷ trọng giá trị sản xuất từ làng nghề chiếm trên 50%, tiêu biểu như: Phú Minh 97,5%, Phú Yên 93%, Chuyên Mỹ 90%, Đại Thắng 83%, Văn Hoàng 76%, Tân Dân 74%, Phú Túc 68%... Các làng nghề đã tạo việc làm cho hơn 23.000 lao động tại địa phương, với thu nhập bình quân của lao động làng nghề đạt 25,3 triệu đồng/năm. Để nâng cao tay nghề cho người lao động, huyện Phú Xuyên đã tổ chức được 14 lớp dạy nghề cho 500 người; đồng thời tổ chức tập huấn công tác khuyến công cho 150 cán bộ xã, hiệp hội, doanh nghiệp…
Làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Anh Duy
|
Cùng với công tác dạy nghề, huyện Phú Xuyên là một trong những địa phương đi đầu trong việc vinh danh làng nghề, nhằm động viên, khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động sáng tạo, cải tiến mẫu mã, từng bước tháo gỡ khó khăn cho nghề truyền thống. Từ năm 2011, UBND huyện Phú Xuyên đã quyết định lấy ngày 26/10 hàng năm là ngày "Vinh danh các làng nghề truyền thống" trong huyện. Đây không chỉ là dịp tôn vinh những người làm nghề, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương, gìn giữ nghề truyền thống mà còn là cách để Phú Xuyên quảng bá, giới thiệu sản phẩm thủ công độc đáo của địa phương tới du khách, thúc đẩy làng nghề phát triển. Trong năm 2013, huyện Phú Xuyên đã đề nghị TP tặng danh hiệu nghệ nhân cho 14 thợ có tay nghề cao; đăng ký nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa cho 2 tập thể và 28 cá nhân; khai trương trang thông tin điện tử làng nghề truyền thống.
Tuy nhiên, các làng nghề ở huyện Phú Xuyên cũng đang gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Quy mô sản xuất của các hộ còn nhỏ lẻ, mẫu mã hàng còn đơn điệu… Đặc biệt, nhiều làng nghề vẫn chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường nên luôn bị động trong sản xuất, kinh doanh và bị ép giá. Tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được xử lý; hạ tầng một số làng nghề chưa đảm bảo, mặt bằng chật hẹp gây khó khăn trong công tác vận chuyển nguyên vật liệu và kìm hãm sự phát triển của làng nghề…
Huyện Phú Xuyên phấn đấu, đến năm 2015 quy hoạch được 8 điểm làng nghề ở các xã xây dựng nông thôn mới; xây dựng kế hoạch sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề với tổng diện tích 60ha, trong đó điểm công nghiệp 30ha, giao thông làng nghề 10ha, các dự án xử lý chất thải… Hy vọng với những quyết tâm và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền các cấp, huyện Phú Xuyên sẽ thành công trong việc giữ gìn và phát triển làng nghề; đồng thời, đưa những sản phẩm của làng nghề truyền thống sang thị trường các nước như: Mỹ, Nhật, Đông Âu, Ba Lan…