Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội đã hình thành từ xa xưa. Trên địa bàn phường, các khu dân cư làm nghề nấu xôi là chủ yếu. Hiện làng có 463 hộ tham gia làm nghề nấu xôi truyền thống, với 1.001 người trong độ tuổi lao động, có hộ chỉ bán dạo loanh quanh, có hộ thì nhận đặt tiệc cưới, hiếu, hỷ… thị trường đa dạng. Trong làng, đã có những đại lý lớn chuyên bán các loại nguyên liệu từ gạo nếp, đỗ xanh, lạc, vừng, ngô... Mỗi ngày, cả làng tiêu thụ gần 7 tấn gạo nếp. Hàng năm, cứ vào ngày hội đình làng Phú Gia có tổ chức thi nấu xôi. Một trong những tiêu chí luôn được hội thi đặt ra với những người tham gia là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Hàng năm, phường tổ chức lớp tập huấn về VSATTP cho các hộ làm nghề nấu xôi. 100% các hộ làm nghề nấu xôi tại làng đăng ký, cam kết đảm bảo tuyệt đối vệ sinh ATTP.
Sự phát triển của làng nghề xôi Phú Thượng theo thời gian đã có những điểm mới phù hợp với sự phát triển của xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta bắt kịp được nhịp điệu chuyển biến của thời đại. Qua đó, nghề nấu xôi Phú Thượng đã cho những giá trị nhất định. Trong đó, năm 2013, giá trị sản xuất từ nghề nấu xôi truyền thống của Phú Thượng là 77,352 tỷ, chiếm tỷ trọng 60,6%. Năm 2014, giá trị sản xuất của làng nghề là 79,545 tỷ, chiếm tỷ trọng 60,7%. Năm 2015, giá trị sản xuất của làng nghề là 81,455, chiếm tỷ trọng 60,9%. Cũng nhờ món ăn truyền thống này mà những hộ làm nghề tại Phú Thượng hiện nay đều có mức thu nhập ổn định, đời sống được cải thiện, kinh tế phát triển khá , người dân giàu lên trông thấy. Thị trường tiêu thụ xôi Phú Thượng chủ yếu vào các khu phố và các vùng ven đô.
Thời gian qua, với sự mong mỏi của người dân Phú Thượng, ngày 30/12/2016, làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng đã chính thức được công nhận đạt danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” theo Quyết định số 7286/QĐ-UBND của UBND TP. Việc công nhận làng nghề truyền thống nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển làng nghề trên địa bàn, thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, phù hợp với tiến trình hội nhập; đồng thời, góp phần giữ vững danh hiệu phường văn hóa và xây dựng thành công phường "Chuẩn văn minh đô thị".
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn đã ghi nhận và chúc mừng những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân phường Phú Thượng. “Với trí tuệ và công sức của mình, người dân Phú Thượng đã tạo ra đặc sản truyền thống rất đỗi bình dị theo thời gian đã đi vào đường làng, ngõ xóm khắp Thủ đô Hà Nội. Đây là một vinh dự lớn, một sự ghi nhận công lao, sức lực của bà con Nhân dân qua rất nhiều năm, thế hệ, “một nắng hai sương” để có được sản phẩm làm từ hạt gạo nhỏ bé”, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy nhấn mạnh. Đồng thời đề nghị, làng nghề xôi truyền thống Phú Thượng cần tiếp tục phấn đấu tập trung, giữ vững, phát huy truyền thống làng nghề. Qua đây, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy mong muốn, Hiệp hội Làng nghề, Hiệp hội Nghệ nhân thợ giỏi sẽ tiếp tục giúp Nhân dân phường Phú Thượng để được thành lập hội nghệ nhân và tôn vinh các nghệ nhân giỏi của làng. Bên cạnh đó, lãnh đạo quận cũng mong Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân phường Phú Thượng tiếp tục đầu tư về đường làng, ngõ xóm, khai thông vệ sinh môi trường và tiếp tục nghiên cứu để làng nghề Phú Thượng được công nhận thương hiệu xôi Phú Thượng.