Đã bao giờ bạn lắng nghe một bà mẹ phàn nàn? Bạn có kiên nhẫn nghe từ đầu đến cuối câu chuyện của cô ấy không, hay sẽ nói “ôi thế đã là gì, cứ đợi đến sau này, còn kinh khủng hơn ấy!”?
Bạn nghĩ câu trả lời như vậy có ích cho người mẹ kia? Với cô ấy, vấn đề mình đang phải đối mặt là lớn nhất. Cô ấy chẳng nghĩ thêm gì được đến viễn cảnh của những “khó khăn hơn nữa” (như bạn nói) sau này. Cho nên nếu bạn định chia sẻ với một bà mẹ theo cách nói những trở ngại của cô ấy hiện tại chưa là gì, thì đó không phải là chia sẻ.
Đừng nghĩ “vấn đề với trẻ nhỏ là chuyện nhỏ, khi bọn trẻ lớn hơn vấn đề mới thực sự là vấn đề”. Bởi cách nghĩ ấy không công bằng. Giai đoạn nào cũng có những khó khăn cần giải quyết. Mọi bà mẹ đều nên được trang bị tốt để thích nghi, đối mặt với mọi trở ngại trong từng giai đoạn, trong đó, giai đoạn mới làm mẹ sẽ vất vả hơn cả, bởi đó là sự chuyển tiếp từ việc tự chăm sóc bản thân sang chăm sóc thêm cả một sinh linh bé bỏng khác hoàn toàn phụ thuộc vào mình - rất mất thời gian và sức lực.
Cho nên điều một người mẹ cần lắng nghe nhất là: “Dần dần mọi chuyện sẽ tốt hơn”.
Theo thời gian, em bé sẽ lớn lên, số bữa ăn ít đi và người mẹ tìm được khoảng thời gian trống cho bản thân cô ấy. Thêm chút thời gian nữa, em bé biết ngủ trọn cả một đêm. Giấc ngủ của mẹ không còn bị xé nát, mẹ cảm thấy có năng lượng hơn khi không còn rơi vào cảnh thiếu ngủ và thèm ngủ.
Cũng theo thời gian, cảnh con lẽo đẽo theo mẹ mè nheo ăn vạ cũng không còn. Em bé đã có thể tự chơi rồi. Bé biết mỉm cười và ê a gọi mẹ. Một ngày, bạn có thể hoàn toàn yên tâm để bé ở nhà với ông, bà, bố hay một người trông trẻ, để bản thân “tái hòa nhập” với những hoạt động bên ngoài.
Đến một ngày bạn tự nhiên nhận ra rằng mình rất hiểu con, hiểu cả những lý do vì sao con khóc mà chưa cần con phải nói. Và rồi nếu bạn lại gặp một người mẹ mới sinh với em bé còn ẵm ngửa, hãy nhớ lại khoảng thời gian khó khăn mình từng bước vượt qua, nhớ bạn đã sợ hãi và cảm thấy quá tải đến mức nào, để động viên cô ấy rằng: “Tất cả rồi sẽ ổn, sẽ tốt đẹp hơn mà...”.