KTĐT - Hà Nội có nhiều ngõ nhỏ phố nhỏ, nhưng vì những bất cập của công tác tổ chức giao thông, những con đường chưa thể phát huy tối đa công năng của nó.
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước vấn nạn ách tắc giao thông ngày càng trầm trọng mà chưa có phương thuốc giải cứu hữu hiệu.
Trong tình hình ấy, việc Hà Nội phải tiến hành phân luồng từ xa và Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra đề xuất thu phí lưu hành vào trung tâm thành phố đối với ôtô chỉ đơn thuần là các giải pháp tình thế.
Đường giao thông chật hẹp, thi công kéo dài
Ách tắc triền miên do cơ sở hạ tầng giao thông đô thị không theo kịp sự phát triển của phương tiện giao thông; ý thức người tham gia giao thông chưa cao… là những nguyên nhân chính mà các cơ quan chức năng đưa ra để giải thích cho việc ách tắc giao thông ngày càng trầm trọng tại các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay.
Nhưng điều quan trọng nhất là xác định nguyên nhân dẫn đến những hậu quả nêu trên thì chưa thấy ai đề cập đến.
Trước hết là việc cơ sở hạ tầng giao thông không theo kịp sự phát triển của phương tiện giao thông. Điều cần xác định đầu tiên là hậu quả này không do lỗi người tham gia giao thông.
Trong khi phương tiện vận tải hành khách công cộng trong các đô thị lớn chỉ đáp ứng 20% nhu cầu đi lại của người dân, thì việc họ tự lo phương tiện giao thông cá nhân là một nhu cầu chính đáng cần được tôn trọng.
Tại Hà Nội, ít người có trách nhiệm tổ chức giao thông của thành phố từng tự đặt câu hỏi vì sao cơ sở hạ tầng giao thông của Thủ đô mãi không thể đáp ứng được nhu cầu tham gia giao thông ngày càng tăng của người dân?
Nút giao thông Chùa Bộc-Thái Hà gần 15 năm qua vẫn khuyết một góc mở rộng về phía Trường Đại học Công Đoàn. Khiếm khuyết này dẫn đến việc một lượng lớn phương tiện giao thông lưu thông từ hướng Khương Thượng đến Thái Hà buộc phải chen vai thích cánh trên một nửa đường Chùa Bộc chật chội.
Cho dù JICA đã cố gắng tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức giao thông theo hướng điều khiển đèn giao thông 3 pha, tình trạng ách tắc thường xuyên tại đây vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.
Trong khi đó, với khả năng của mình, thành phố Hà Nội hoàn toàn có thể hoàn thiện nút giao thông này thành một hình vuông khổng lồ mà ở đó, các hướng giao thông đều rộng mở.
Nhưng vào thời điểm hiện tại, những hộ dân sống bên đường Chùa Bộc luôn phấp phỏng lo âu vì không biết bao giờ mình sẽ phải dời đi, khi nhà cửa ngày càng dột nát, hư hỏng, lại không được tu sửa, xây dựng. Trong khi đó, những người ngày ngày tham gia giao thông trên tuyến luôn phải bực mình về sự chật chội, đông đúc, ùn ứ phương tiện giao thông tại đây.
Bên cạnh đó, rất nhiều dự án thi công các công trình giao thông đều chậm tiến độ vì muôn vàn lý do. Ví dụ như tuyến đường vành đai 3. 6 năm đã trôi qua, nút giao thông cầu vượt Dịch Vọng vẫn ngổn ngang như công trường đang xây dựng. 5 năm qua, tuyến đường huyết mạch của Thủ đô vẫn chưa thể hoàn thiện trong khi nhu cầu giao thông ngày càng tăng cao. Đây không phải lỗi do người tham gia giao thông.
Thành phố Hà Nội có thể lý giải những nguyên do dẫn đến việc chậm tiến độ tại đường vành đai 3, hay Quốc lộ 32 là do vốn nhà nước chưa được cấp đầy đủ, nhưng không thể chối bỏ trách nhiệm trong việc chậm chễ thi công các tuyến đường nội đô khác, mà đường Lạc Long Quân là một ví dụ điển hình.
Nhiều năm qua, công trường thi công mở rộng, nâng cấp tuyến “vành đai 2” này lúc thì dồn dập, lúc thì chậm rãi, như thử thách lòng kiên nhẫn của người dân. Việc đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn toàn phụ thuộc vào các cơ quan chức năng của thành phố.
Lãng phí diện tích dành cho giao thông
Hà Nội có nhiều những ngõ nhỏ phố nhỏ, nhưng vì những bất cập của công tác tổ chức giao thông, những con đường chưa thể phát huy tối đa công năng của nó.
Trước hết là sự bất hợp lý trong việc tổ chức cắm đèn tín hiệu giao thông. Chắc chắn sẽ có nhiều người cảm thấy khó chịu khi phải dừng trước đèn đỏ vào giờ cao điểm tại một ngã 3 có nhánh rẽ trái trong khi họ muốn đi thẳng.
Đèn tín hiệu giao thông giúp giảm thiểu xung đột giữa các hướng giao thông, nhưng trong trường hợp này, vô tình đèn tín hiệu đã hạn chế hướng lưu thông cho các phương tiện giao thông đi thẳng, không xung đột với luồng rẽ trái. Vậy là phương tiện buộc phải ùn ứ tại nút giao thông, trong khi hướng đi thẳng rộng mở.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã cố gắng tổ chức nhiều nút giao thông cho phép rẽ phải khi có đèn đỏ, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất hợp lý.
Lãng phí diện tích giao thông tại Hà Nội còn thể hiện ở việc tổ chức giao thông tĩnh trong thành phố. Giao thông tĩnh là một khái niệm chuyên môn dùng để chỉ phương thức tổ chức những điểm đỗ, dừng cho các phương tiện giao thông.
Có một thực trạng là trên các con phố Hà Nội, nhiều vỉa hè và lòng đường trở thành nơi đỗ, dừng xe. “Đường đi xe, hè đi bộ” là một trong những khái niệm cơ bản nhất trong tổ chức giao thông đô thị, nhưng hiện tại, Hà Nội vẫn chưa thể làm tốt điều này.
Ngay trước cửa trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, trong những ngày thành phố có những cuộc họp lớn, xe ôtô đỗ đầy trên con phố có biển cấm dừng đỗ trước cửa ủy ban. Thực ra ôtô chẳng có nơi nào để “trú ngụ”. Trong khi đó, sân tượng đài Lý Thái Tổ bên cạnh mênh mông khoảng trống.
Đương nhiên, ôtô không thể “trèo” lên đỗ trên sân trước tượng đài, nhưng người dân hoàn toàn có thể đặt câu hỏi tại sao các cơ quan chức năng của thành phố không tính đến chuyện xây dựng một bãi đỗ xe ngầm bên dưới khoảng sân mênh mông ấy? Chắc không phải vấn đề kinh phí. Vấn đề chỉ là chưa có quy hoạch tổng thể điểm đỗ xe công cộng mà thôi.
Các chung cư cao tầng, các trung tâm thương mại, điểm vui chơi, giải trí… trong thành phố là nơi có đông người dân đến tụ tập. Đáng lẽ ra, những chung cư cao tầng, những trung tâm thương mại ấy phải “tự lo” được cho mình điểm gửi xe.
Thế nhưng hiện tại, người dân đến Trung tâm Thương mại Tràng Tiền, nếu đi bằng ôtô, sẽ rất khốn khổ để tìm chỗ đỗ. Còn những con đường trước cửa các chung cư cao cấp khu Trung Hòa-Nhân Chính, hay Linh Đàm, Mỹ Đình đành ngậm ngùi chứa đầy xe, bởi nhiều tòa nhà không hề có tầng hầm.
Dự án xây dựng bãi đỗ xe hồ Bụng cá ì ạch đã gần 10 năm qua. Nhà đỗ ôtô bên sân vận động Hàng Đẫy nay trở thành cơ quan Sở Kế hoạch-Đầu tư của thành phố. Trong khi đó, vỉa hè các con phố chính của Thủ đô trở thành nơi đỗ xe của các cơ quan, xí nghiệp./.