Đó là chưa kể khoản thù lao nhiều chục triệu đồng mỗi tháng từ việc đại diện vốn (đầu tư ngoài ngành) ở những đơn vị khác...
Lãnh đạo hơn nhân viên hàng chục lần Điều khiến dư luận tò mò nhất trong thời gian gần đây là thu nhập của các lãnh đạo ngành điện, đặc biệt là Chủ tịch EVN Đào Văn Hưng là bao nhiêu. Cách đây vài tháng có thông tin rộ lên về việc mỗi năm người đứng đầu EVN được trả lương ở mức 1,7 tỷ đồng/năm, tương đương mức 150 triệu đồng/tháng. Khi PV trao đổi với một lãnh đạo cấp cao của EVN để xác minh thì được ông này cho biết lương của ông Hưng không cao đến mức như vậy nhưng không cung cấp con số cụ thể là bao nhiêu. Cũng theo tìm hiểu của PV, ngoài phần lương được trả trực tiếp từ EVN, ông Hưng còn có một số nguồn thu khác như tiền thù lao được trả cho chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP An Bình, ngân hàng mà EVN là cổ đông chiến lược. Theo báo cáo của HĐQT tại đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 3-2011, ngân hàng này đã trả thù lao cho HĐQT với tổng số tiền 4,635 tỷ đồng. Nếu chia đều số tiền này cho 6 thành viên thì mỗi người được nhận hơn 772 triệu đồng, tương đương mức trên 64 triệu đồng/tháng. Khoản thù lao thu nhập thêm từ việc kiêm nhiệm chức danh trên của ông Hưng, phần nào lý giải vì sao các tập đoàn nhà nước, trong đó có EVN thích đầu tư ngoài ngành, dù không hiệu quả. Với số tiền đầu tư ngoài ngành tính đến hết 2010 là 5.402 tỷ đồng, thì rất nhiều lãnh đạo tập đoàn (các uỷ viên Hội đồng thành viên, các trưởng ban...của EVN) sẽ có cơ hội được làm đại diện phần vốn sở hữu tại các công ty mà EVN góp vốn, thì thu nhập của họ riêng từ nguồn thù lao này là cực kỳ lớn. Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV, mức lương trung bình của công nhân ngành điện thực tế chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/tháng, lương kỹ sư nhiều đơn vị trong ngành khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Theo một cán bộ hàm phó phòng của Tổng Cty Điện lực Hà Nội, thu nhập thực tế của cả hai vợ chồng trong ngành cộng lại mỗi tháng chỉ ở mức xấp xỉ 9 triệu đồng. “Đấy là tính cả thâm niên làm việc hơn chục năm. Với nhân viên lao động trực tiếp thì mức lương phổ biến dưới 4 triệu đồng. Còn với kỹ sư điện bậc 3 trong ngành thì đạt mức từ 4,7 triệu đến 5 triệu/tháng”-Vị này cho biết. Cũng theo một số nguồn tin từ ngành điện, lương thực tế của cán bộ rất thấp, mức lương cao chỉ dành cho các lãnh đạo cấp trưởng phòng trở lên. Với một số công ty lớn trong ngành điện, tổng thu nhập của chức danh giám đốc có thể đạt tới mức 50 triệu đồng/tháng.
DN lỗ thu nhập cao hơn DN lãi Tuy ngành điện bị lỗ nặng năm 2010, nhưng thật trớ trêu, thu nhập của EVN lại cao hơn thu nhập của cán bộ các tập đoàn nhà nước làm ăn có lãi lớn khác. Theo kết quả kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước, thì năm 2010, EVN đã lỗ nặng, nhưng mức lương bình quân toàn Công ty mẹ là 13,7 triệu đồng/người/tháng và thu nhập bình quân khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng/người/tháng. Cũng trong năm 2010, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT), lãi tới 11.200 tỷ đồng, nhưng thu nhập bình quân chỉ khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Còn nếu tách bạch chi tiết thì thu nhập bình quân lĩnh vực bưu chính ở mức khoảng 4 triệu đồng/người còn khối viễn thông khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập bình quân trung bình của các cấp lãnh đạo cấp phòng, ban của VNPT so với nhân viên, cao hơn khoảng 3 lần. Còn thu nhập của lãnh đạo cấp cao của tập đoàn so với nhân viên bình thường thì có thể lên tới gần 20 lần. Còn Vinacomin, lãi năm 2010 hơn 6.000 tỷ đồng, nhưng thu nhập bình quân của người lao động chỉ ở mức khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng. Các công nhân mỏ tay nghề cao có thể đạt mức lương trên 8,5 triệu/tháng và phải làm việc trong môi trường hầm lò, độc hại. Lương của lương lãnh đạo cấp cao của Vinacomin cao hơn từ 10 - 20 lần mức lương trung bình ngành. “So với lãnh đạo ngành điện thì thu nhập của ngành chúng tôi thấp hơn hẳn và phải làm việc trong môi trường độc hại hơn nhiều”- Một lãnh đạo Vinacomin nói... Còn nếu so sánh với mức lương bình quân chung của các doanh nghiệp nhà nước mà Bộ L ĐTB&XH vừa công bố, thì mức lương của EVN cũng vượt xa. Cụ thể, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện chính sách tiền lương của các Bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước mới đây cho thấy tiền lương bình quân của người lao động năm 2008 đạt 3,2 triệu đồng/tháng, năm 2009 khoảng 3,35 triệu đồng/tháng, năm 2010 khoảng 3,7 triệu đồng/tháng. Mức tiền lương này cao hơn 13,5% so với doanh nghiệp FDI và hơn 38% so với doanh nghiệp dân doanh. Tiền lương bình quân của thành viên HĐQT, tổng giám đốc, giám đốc của khối các đơn vị này khoảng 18-20 triệu đồng/tháng. Ai giám sát lương khủng? Theo quy định hiện hành, Bộ LĐ-TB&XH duyệt tổng quỹ lương của tập đoàn. Tổng quỹ lương của tập đoàn được xây dựng trên cơ sở là số thành viên hội đồng quản trị chuyên trách, không chuyên trách, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng. “Bộ chỉ duyệt tổng quỹ lương thôi còn ông chủ tịch nhận được mức lương thế nào là tuỳ thuộc vào cơ chế điều phối trong tập đoàn đó. Và cơ chế tiền lương đó phải được xây dựng trên cơ sở công khai, minh bạch thông qua ban chấp hành công đoàn và phổ biến đến từng người lao động. Quy trình này rất chặt”, một lãnh đạo cấp vụ của Bộ LĐTB&XH cho biết. Và theo Nghị định 206 và 207, lương đối với cán bộ lãnh đạo DNNN gắn chặt với kết quả và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hay nói cách khác là lợi nhuận và năng suất lao động của doanh nghiệp đó. Nếu như lợi nhuận tăng, năng suất lao động tăng thì tiền lương - thưởng tăng và ngược lại lợi nhuận giảm, năng suất lao động giảm thì tiền lương, thưởng giảm. Tuy nhiên, tại hội nghị tổng kết đổi mới các doanh nghiệp nhà nước tổ chức đầu tháng 12 vừa qua, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH cho biết, về lương thưởng, các doanh nghiệp thuộc khối tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động trong lĩnh vực có lợi thế thường xây dựng chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh thấp hơn so với khả năng thực tế, xây dựng lao động định mức cao, nâng hệ số cấp bậc công việc, do đó tiền lương của doanh nghiệp có lợi thế đạt 8,14 triệu đồng/tháng, cao gấp 3,35 lần so với nhóm doanh nghiệp không có lợi thế. Nhóm tài chính, ngân hàng đạt 10,5 triệu đồng/tháng, cao gấp 4,32 lần nhóm không có lợi thế. Thực tế kiểm tra tại các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty hạng đặc biệt cũng cho thấy từ năm 2008 đến nay, doanh nghiệp thường có xu hướng đẩy tiền lương của HĐQT, tổng giám đốc, giám đốc lên cao hoặc nhập chung vào quỹ lương của người lao động để phân phối. Một số doanh nghiệp trả lương cho chủ tịch chuyên trách, tổng giám đốc 70 - 80 triệu đồng/tháng trong khi khung tối đa của nhà nước khoảng 50 triệu đồng/tháng. Với việc trao quyền quyết định lương trong nội bộ DNNN cho lãnh đạo DNNN, trong khi lại không có cơ chế giám sát, nên việc chi trả tiền lương tại những tập đoàn kinh tế nhà nước đang tạo ra chênh lệch thu nhập lớn, gây bức xúc cho người lao động, chưa kể đang tạo lỗ hổng lớn khiến những người có quyền có thể tư lợi qua tiền lương.
Theo Bộ LĐTB&XH, riêng 36 công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty hạng đặc biệt, tiền lương bình quân của người lao động năm 2008 đạt 5,9 triệu/tháng, năm 2009 là 6,95 triệu đồng/tháng và năm 2010 đạt 7,64 triệu đồng/tháng. Mức lương của các đơn vị này cao hơn 2,06 lần so với bình quân chung của doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, tiền lương bình quân của thành viên HĐQT, tổng giám đốc, giám đốc khoảng 30 triệu đồng/tháng. Trong đó, nhóm doanh nghiệp ít lợi thế như lâm nghiệp, cà phê, dệt may, giấy, mía đường, vận tải đường sắt khoảng 15 triệu đồng/tháng. Nhóm có lợi thế như dầu khí, bưu chính viễn thông, thuốc lá, hàng không, than, điện lực, ngân hàng, tài chính khoảng 40 triệu đồng/tháng. |