Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãnh đạo Thành phố Hà Nội dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là hoạt động có ý nghĩa truyền thống văn hóa sâu sắc của dân tộc nhân kỷ niệm 55 năm ngày giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 2/9/1969) và kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Người (1969-2024).

Chiều 23/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài dẫn đầu Đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà số 67, Khu di tích quốc gia đặc biệt Phủ Chủ tịch, quận Ba Đình, Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài cùng các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà số 67, Khu di tích quốc gia đặc biệt Phủ Chủ tịch.
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài cùng các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà số 67, Khu di tích quốc gia đặc biệt Phủ Chủ tịch.

Đây là hoạt động có ý nghĩa truyền thống văn hóa sâu sắc của dân tộc nhân kỷ niệm 55 năm ngày giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 2/9/1969) và kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Người (1969-2024).

Tham gia đoàn có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn…

Di tích Nhà 67 là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa điều trị bệnh, vừa làm việc. Đây cũng là nơi Người trút hơi thở cuối cùng và đi xa vào hồi 9giờ47phút ngày 2/9/1969. Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng và dân tộc bản Di chúc thiêng liêng, một văn kiện lịch sử quan trọng, kết tinh tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Bác.

Thành kính dâng hương và dâng hoa tại Nhà 67, các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của Ðảng và dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Trọn đời Người vì nước, vì dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người là biểu tượng, là tấm gương ngời sáng về đạo đức cách mạng "cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư".

Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài cùng các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội nghe giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài cùng các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội nghe giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã hun đúc nên sự nghiệp Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ nhất, vinh quang nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Sinh thời, Bác luôn dành cho Thủ đô Hà Nội sự quan tâm đặc biệt, Người từng căn dặn: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội nguyện tiếp tục không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Đồng thời, phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm với ý chí cao nhất tiếp tục thực hiện tốt Di chúc của Bác, hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP. Qua đó, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.