Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lào Cai liên tiếp hứng mưa đá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 5/4, một trận mưa đá kèm theo lốc tố đã trút xuống nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đây là trận mưa đá thứ 2 diễn ra chỉ trong vòng vài ngày đầu tháng 4.

Theo TTXVN, tại các huyện Bát Xát, Sa Pa và thành phố Lào Cai trận mưa đá kéo dài khoảng 10 phút kèm theo giông tố và lốc xoáy lớn.

Những viên mưa đá rơi xuống có kích cỡ to hơn hạt ngô và tan chảy nhanh theo cơn mưa rào mạnh nên không gây thiệt hại nặng.

Trận mưa đá cũng đã làm mất điện toàn thành phố Lào Cai và các huyện Sa Pa, Bát Xát trong khoảng 30 phút...
Tháng 4 hàng năm, không khí lạnh gây ra những trận mưa đá liên tiếp ảnh hưởng đến nhiều địa phương - ảnh minh họa
Tháng 4 hàng năm, không khí lạnh gây ra những trận mưa đá liên tiếp ảnh hưởng đến nhiều địa phương - ảnh minh họa
Trước đó, chiều tối 2/4, trận mưa đá đầu tiên của năm 2014 đã tấn công các địa phương của tỉnh Lào Cai.

Do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao, Lào Cai có mưa, mưa rào đều khắp và rải rác có dông trong ngày 2/4. Đặc biệt, mưa đá kèm theo gió mạnh đồng thời xuất hiện tại 3 khu vực gồm phường Bình Minh (thành phố Lào Cai), thôn Bến Đền, xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng) và xã Nậm Đét (huyện Bắc Hà).

Trao đổi với PV, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hiện nay Bắc bộ đang chị đợt không khí lạnh tăng cường với cường độ trung bình, khiến nhiệt độ giảm nhưng không nhiều. Tuy nhiên, điều đặc biệt lưu ý là dạng thời tiết này sẽ gây mưa rào, dông, lốc, sét và mưa đá, nhất là các khu vực vùng núi.

Trên thực tế, vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 hàng năm, mưa đá thường xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền núi. 

Năm 2003, trong đêm 25 rạng ngày 26/4, ảnh hưởng của rìa Tây Nam lưỡi áp cao lạnh lục địa tăng cường nén rãnh áp thấp đã gây mưa vừa và kèm theo lốc xoáy tại các huyện Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Yên của tỉnh Yên Bái. Theo đó, lốc xoáy đã làm 282 nhà bị hư hại; trong đó có 1 nhà bị sập đổ hoàn toàn. Lốc xoáy còn gây thiệt hại gần 18 ha lúa và ngô của nhân dân các huyện kể trên.

Còn tại Cao Bằng, có gần 1.800 nhà dân bị tốc, thủng mái vì lốc và mưa đá diễn ra đêm 25/4/2013. Mưa lốc cũng làm hư hại 10 phòng học, phòng làm việc, nhà văn hóa thôn bản; làm thiệt hại với tỷ lệ trên 70% của hơn 1.100 ha hoa màu, cây công nghiệp. Trận mưa lốc này diễn ra trên diện rộng tại 30 xã của hầu hết các huyện trong tỉnh. Đây là trận lốc, mưa đá thứ 3 kể từ đầu năm xảy ra ở Cao Bằng.

Đặc biệt, trước đó, vào rạng sáng ngày 27/3/2013, tại các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai của tỉnh Lào Cai đã xảy ra mưa đá trên diện rộng mà theo nhiều người dân ở địa phương này, đây là trận mưa đá lớn nhất từ trước đến nay khiến hơn 1.000 hộ dân bị thiệt hại, nhiều người bị thương tích. Sau đó 2 ngày, Thái Nguyên trở thành địa phương thứ 2 chịu sự tàn phá của mưa đá, với những viên đá có đường kính từ 5 - 15cm, tương đương cả quả bưởi.

Hồi năm 2012, một cơn lốc xoáy mạnh kem theo mưa đá đã xảy ra vào khoảng 17h40 ngày 20/4, tại trung tâm Thành phố Hà Giang, cơn mưa đá dày đặc đổ xuống khắp thành phố, kéo dài hơn mười phút đã làm trắng xóa thành phố, phá hỏng nhiều nhà và hoa màu của nhân dân.