Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lào Cai sẽ là một điểm sáng lớn trên bản đồ kinh tế Việt Nam

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tỉnh Lào Cai với chủ đề “Lào Cai - Điểm đến thành công”.

Tham dự Hội nghị có hơn 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thủ tướng đã chứng kiến tỉnh Lào Cai ký kết thỏa thuận hợp tác cùng các nhà đầu tư với tổng vốn khoảng 5,3 tỷ USD và quyết định chủ trương đầu tư với số vốn khoảng 1 tỷ USD.
 Các đại biểu tham gia hội nghị
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi nhiều nhà đầu tư lớn đã đến với Lào Cai. Thủ tướng nhấn mạnh, trong vùng miền núi phía Bắc, Lào Cai là địa phương có đầy đủ tiềm năng, lợi thế không phải địa phương nào cũng có được để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch. Cụ thể, đó là tài nguyên tự nhiên với núi rừng, sông suối, hệ sinh thái tự nhiên, có nhiều suối khoáng nóng, 50 loài thực vật quý hiếm của Việt Nam.
Bên cạnh đó là tài nguyên văn hóa với nền văn hóa đặc sắc của 25 dân tộc anh em. Lào Cai có Sa Pa, một thị trấn trong sương, mang vẻ đẹp cuốn hút, hòa quyện giữa thiên nhiên, văn hóa và màu sắc bản địa. Từ những năm 1920, Sa Pa đã từng được mệnh danh là “Thủ đô mùa hè” của Bắc Kỳ.
Thủ tướng nhìn nhận phát triển du lịch miền núi, nhất là miền núi phía bắc chưa thành công bằng phát triển du lịch biển với các dự án như của FLC, Sungroup. Do đó, phải làm tốt hơn để biến vùng núi tiềm năng ở phía Bắc trong đó có Sa Pa, Lào Cai thành những địa điểm du lịch hấp dẫn, kỳ thú.
 Thủ tướng tham quan các gian hàng.
Tiềm năng du lịch ở đây rất lớn, cần phải nâng lên, phát triển nhanh hơn, chất lượng hơn. Điều may mắn là dù phát triển nhanh nhưng đến nay, Lào Cai cơ bản vẫn còn giữ được cảnh quan môi trường đa dạng và trong sạch. Đây là điều quan trọng tạo nên điểm du lịch lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước.
Nhân dịp này, Thủ tướng nhắc lại 5 yêu cầu, cũng là 5 câu hỏi cho đến nay chưa địa phương nào trả lời được một cách xuất sắc. Đó là, làm thế nào du khách tìm đến Lào Cai đông hơn? Làm sao để du khách tiêu tiền nhiều hơn? Làm thế nào du khách ở lại lâu hơn thay vì đi sớm? Làm thế nào để khách kể lại câu chuyện du lịch thú vị với người thân, bạn bè một cách đầy hứng khởi, thay vì chê bai, kể xấu về Lào Cai? Làm thế nào để du khách quay trở lại nhiều hơn, chứ không phải một đi không trở lại?
 
Cùng với du lịch, theo Thủ tướng, tiềm năng phát triển công nghiệp cũng rất lớn. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý Trung ương, tỉnh Lào Cai không khuyến khích các nhà đầu tư khai thác khoáng sản có tầm nhìn ngắn hạn, sử dụng công nghệ lạc hậu, quy mô khai thác manh mún, nhỏ lẻ mang tính tận thu, đe dọa tính bền vững của tỉnh. Phát triển công nghiệp được quy hoạch và ưu tiên phát triển một cách hợp lý để tránh làm tổn hại đến các ngành kinh tế khác, đặc biệt là du lịch.
Đảm bảo hài hòa 3 trụ cột kinh tế - xã hội – môi trường. Lào Cai cần phải có môi trường sống tốt hơn. Trước hết, cả tỉnh hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Lào Cai phải hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững và bao trùm, không để du lịch phát triển hơn mà người dân nghèo đi.
 
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tiềm năng ngành nông nghiệp của Lào Cai với nhiều loại cây trồng, cây ăn quả đặc sắc có giá trị thu nhập cao mà các nhà đầu tư hoàn toàn có thể nâng lên 200 – 300 triệu đồng/ha. Lào Cai cũng có tiềm năng về kinh tế cửa khẩu, có thể xây dựng trung tâm logistic, trung tâm buôn bán giao lưu quốc tế cùng với du lịch quốc tế. Chính phủ ưu tiên đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách cho trung tâm này.
Với tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai và sắp tới đây, nếu dự án sân bay Lào Cai được đánh giá khả thi về mặt kinh tế và được tổ chức triển khai, thì những lợi ích mang lại trong việc khơi thông các tiềm năng phát triển của Lào Cai cũng như các tỉnh lân cận sẽ là rất lớn.
Bày tỏ vui mừng khi 6,3 tỷ USD vốn đầu tư cam kết phần lớn là từ các doanh nghiệp trong nước, Thủ tướng lưu ý tỉnh cần quan tâm tới các doanh nghiệp địa phương để làm sao 15.000 hộ kinh doanh cá thể được thúc đẩy, tạo điều kiện trở thành 15.000 doanh nghiệp, cùng với 5.000 doanh nghiệp hiện có tạo thành lực lượng đông đảo hơn, làm đối tác với các tập đoàn lớn.
Nhắc lại khẩu hiệu nổi tiếng của Lào Cai cách đây 10 năm là “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh, phải coi thắng lợi của nhà đầu tư, của doanh nghiệp là thành công của chính quyền địa phương. Lào Cai cần chú ý đến bài toán liên kết vùng trong chiến lược phát triển, cả ở cấp độ quốc gia lẫn từng địa phương.
Đối với các nhà đầu tư, Thủ tướng nêu rõ, tất cả những nhà đầu tư đến với Lào Cai nói riêng, Tây Bắc và miền núi nói chung đều rất đáng trân trọng bởi vùng đất này tuy tiềm năng rất lớn nhưng ở nhiều nơi, người dân còn khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn. “Vì vậy mỗi một đồng vốn của nhà đầu tư, mỗi một sinh kế, việc làm được tạo ra đều rất quý giá; bên cạnh mục đích kinh doanh là cả một tấm lòng vì xã hội, vì đồng bào, vì đất nước”.
Chính phủ và chính quyền địa phương rất trân trọng những nhà đầu tư “lời nói đi đôi với việc làm”. Các hành vi gây ô nhiễm môi trường, phá vỡ các giá trị văn hóa dân tộc và lịch sử, sử dụng lao động bất hợp pháp, trốn thuế, v.v… đều không được chào đón và sẽ bị xử lý theo quy định. Các nhà đầu tư cần đồng tâm hiệp lực lên án các hành vi này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cam kết sẽ tạo điều kiện hỗ trợ hết mực, cùng đồng hành, tạo môi trường đầu tư tốt hơn. Thủ tướng cho rằng, với kết quả đã đạt được, với các tiềm năng, lợi thế, cơ đồ đang có hiện này, nếu quyết tâm cao thì trong vòng 15 - 20 năm nữa, Lào Cai sẽ là một điểm sáng lớn trên bản đồ kinh tế Việt Nam./.