Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lao đao vì nợ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vỡ nợ công đối với một thành viên của khu vực đồng euro là điều không thể chấp nhận được- các quan chức và giới phân tích ở Châu Âu nhận định- một quốc gia không phải là ngân hàng.

KTĐT - Vỡ nợ công đối với một thành viên của khu vực đồng euro là điều không thể chấp nhận được- các quan chức và giới phân tích ở Châu Âu nhận định- một quốc gia không phải là ngân hàng.

Nguy cơ vỡ nợ công của Hy Lạp, số liệu ngân sách giả mạo và tốc độ tăng trưởng thấp đã trở thành phép thử khắc nghiệt nhất trong vòng 11 năm qua của các nước dùng đồng euro.

Mối lo ngại về sức mạnh của đồng euro đã lan sang cả Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italy. Đó không đơn giản chỉ là một cuộc khủng hoảng nợ, các hãng định mức tín dụng hay sự biến động không ngừng của thị trường. Yếu tố cốt lõi của vấn đề này nằm ở cuộc khủng hoảng chính trị. Nó đẩy Liên minh Châu Âu vào thế khó xử, bởi nếu các nước thành viên tiếp tục thắt chặt các chính sách về kinh tế và tài chính thì cả khối sẽ không thể giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hiệu quả.

Theo các chuyên gia, chính sách thắt chặt sẽ tạo nên sự ổn định về mặt chính trị nhưng lại có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế sau này. Jean-Paul Fitoussi, giáo sư kinh tế tại Viện Nghiên cứu Chính trị tại Paris, nói rằng các nhà lãnh đạo Châu Âu đã "xử lý cuộc khủng hoảng này rất tệ”, tạo ra một thị trường toàn những kẻ đầu cơ và tham lam.

Tỉ lệ nợ công của Hy Lạp so với GDP không cao hơn so với Pháp và Hy Lạp cũng chưa vỡ nợ. Thế nhưng các nhà lãnh đạo ở Hy Lạp đã hành động quá ít để xoa dịu thị trường và các hãng đánh giá tín dụng.

Trong khi không ai nghĩ EU sẽ cho phép Hy Lạp hoặc những nước khác vỡ nợ hay khu vực đồng euro sụp đổ, thì các nhà lãnh đạo EU và Ngân hàng trung ương châu Âu gần như chắc chắn sẽ phải điều chỉnh lại các quy tắc để cung cấp các dịch vụ bảo lãnh hoặc cho vay khi cần thiết. Nhưng kể cả khi các nước này thoát khỏi rắc rối thì những lỗ hổng của đồng euro cũng chưa chắc được giải quyết: Đó là sự bất đồng sâu sắc giữa các nền kinh tế dùng chung một loại tiền tệ mà không có một sự điều tiết nào về chính trị, huống chi là một quỹ đơn lẻ.

"Các nước dùng đồng euro đang phải đối mặt với những thách thức rất nghiêm trọng. Đối với các quốc gia không có khả năng cạnh tranh trong khu vực đồng euro và có tài chính công yếu thì môi trường hiện tại là rất nguy hiểm", Simon Tilford, nhà kinh tế học Trung tâm cải cách châu Âu ở London, nhận định.

Vấn đề không nằm ở chỗ EU đang phải trải qua một cuộc chuyển giao lãnh đạo lớn với một ủy ban mới, một nghị viện mới và một hiệp ước mới: hiệp ước Lisbon. Vì kể cả khi tất cả những vị trí đó đều tìm được người thích hợp thì một câu hỏi lớn vẫn tồn tại. Liệu EU hay những quốc gia thành viên đứng đầu sẽ "đứng mũi chịu sào" khi hậu quả trở nên nghiêm trọng hơn?

Hy Lạp trông chờ vào trợ giúp từ bên ngoài, trong khi các nước khác muốn chờ đợi cho đến khi Athens phải trả một cái giá cao ngất ngưởng vì sự hoang phí và giả mạo số liệu thống kê. Nhưng việc trì hoãn này rất tốn kém và gây ra những vấn đề về nghiêm trọng về cơ cấu mà hầu như không ai muốn bàn tới.

“Hy Lạp là một ví dụ điển hình cho căn bệnh ở các nước khu vực đồng euro. Nước này suy yếu bởi sự quản lý sai lầm về mặt chính trị, do cuộc suy thoái toàn cầu”, Tilford nói.

Sự khác biệt giữa phía bắc và phía nam lục địa châu Âu một phần vì địa lý, một phần do văn hóa, tôn giáo và chính trị. Tuy nhiên các nước phía nam lại thường nghèo hơn và có nền kinh tế ít cạnh tranh hơn các nước phía Bắc.

“Thị trường có vẻ thích thú với việc thử thách đồng euro. Nhưng thị trường cũng đang gia tăng áp lực lên các nền kinh tế lớn nhất Châu Âu , như Đức và Pháp, để tìm ra cách giải cứu Hy Lạp", Nicolas Véron, một thành viên cấp cao của viện nghiên cứu các chính sách kinh tế Bruegel ở Brusssels nhận xét.

Nhưng khi mà Liên minh Châu Âu đang đối mặt với cuộc chuyển giao chính trị thì không thể biết ai sẽ là người chỉ đạo.

“Ai đang nắm quyền? Chẳng có ai cả, và việc này có lẽ phải cần thêm thời gian”, Antonio Missoroli, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách Châu Âu, đặt câu hỏi.

Ông Herman Van Rompuy đã được bầu làm Chủ tịch mới của Ủy ban châu Âu và bà Catherine Ashton được bầu vào vị trí Bộ trưởng chuyên trách các vấn đề quốc tế của EU.

Vỡ nợ công đối với một thành viên của khu vực đồng euro là điều không thể chấp nhận được- các quan chức và giới phân tích ở Châu Âu nhận định- một quốc gia không phải là ngân hàng. Vào thời điểm này, kêu gọi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) giúp đỡ Hy Lạp cũng là việc chưa cần thiết vì chính phủ Hy Lạp đã tỏ rõ quyết tâm sẽ tự giải quyết những vấn đề này.

Hơn nữa, các nước giàu như Pháp cũng cung cấp các khoản nợ song phương và bảo lãnh cho vay. Các quan chức nói lãnh đạo Pháp, Đức và các nước châu Âu khác đều đang bắt đầu thảo luận xem các khoản cứu trợ nên được cơ cấu như thế nào.

“Chúng tôi không thể để Hy Lạp vỡ nợ. Song chúng tôi không muốn công khai điều đó là để tạo sức ép lên chính phủ Hy Lạp”, ông Missoroli nói.

Tuy nhiên từ trước đền giờ chưa hề có tiền lệ nào cho thấy EU hoặc các nước thành viên áp đặt những biện pháp điều chỉnh kinh tế lên một nước thành viên khác. Đó là lý do tại sao giới phân tích thúc giục IMF vào cuộc.

Jacques Mistral, một nhà kinh tế ở Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế Pháp nói rằng nhân vật chính bây giờ là Jean-Claude Trichet - chủ tịch của Ngân hàng Trung ương châu Âu, các lãnh đạo và bộ trưởng tài chính của Pháp và Đức.

“Đó là nhóm tam hùng và họ đang dẫn đầu nỗ lực tìm ra những giải pháp và những thỏa hiệp mới”, Mistral nhận xét.

Bồ Đào Nha- quốc gia nghèo nhất trong khu vực đồng euro, đã chịu cảnh đình trệ trong hàng năm trời và là minh chứng cho thấy : gia nhập khu vực đồng euro không có nghĩa là sẽ chữa được bách bệnh”, ông nhấn mạnh thêm.

Thêm vào đó, Bồ Đào Nha cũng đang có vấn đề về cuộc khủng hoảng chính trị do nghị viện vừa bỏ phiếu phản đối kế hoạch mà Đảng Xã hội chủ nghĩa đưa ra.

Tây Ban Nha có khoản nợ tương đối thấp. Nhưng do tỉ lệ thất nghiệp cao, hệ thống ngân hàng yếu kém và đặc biệt là sau sự xì hơi của bong bóng nhà đất, nước này đã không thể dựa vào ngành xây dựng và giá tài sản lạm phát để thúc đẩy tăng trưởng được nữa.

Những yếu tố này, kèm theo sự phình ra của kinh tế Tây ban Nha đã khiến cho Nouriel Roubini - một giáo sư ở Đại học New York, Mỹ - kết luận: Đối với khu vực đồng euro thì Tây Ban Nha là mối lo ngại còn lớn hơn cả Hy Lạp.

Cùng lúc đó, một vài quốc gia phía Bắc như Pháp và Hà Lan vẫn đang áp dụng chính sách “làm nghèo nước láng giềng” bằng việc miễn cưỡng thúc đẩy tiêu dùng nội địa để giúp các nước nghèo hơn xuất khẩu.

“Các nước Bắc Âu có thể cố hết sức để cắt giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh. Thế nhưng họ cần các nước khác tạo ra nhiều nhu cầu nội địa hơn và ít phụ thuộc vào xuất khẩu hơn”, Tilford nói.

Tuy nhiên, những người chỉ trích như ông Fitoussi thì lại tự hỏi tại sao cuộc khủng hoảng lại bị để lan rộng như thế này, “Họ đang làm quá nhiều việc mà chẳng để giải quyết gì cả. Tuy nhiên chính cái chẳng có gì ấy lại có thể làm hỏng tất cả. Tôi không nghĩ đồng euro đang bị nguy hiểm. Thế mà các nhà lãnh đạo thì lại đang tiêu tốn quá nhiều thời gian vào việc đó”.