Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lao động di cư phi chính thức đối mặt nhiều rủi ro

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một lực lượng không nhỏ lao động di cư khu vực phi chính thức có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế gia đình, địa phương và khu vực.

Thế nhưng, họ chưa thể tiếp cận với các chính sách bảo hiểm bởi còn những rào cản. Đây là vấn đề chính được đưa ra tại hội thảo “An sinh xã hội đối với lao động di cư khu vực phi chính thức” diễn ra sáng 15/9.

Gần 50% lao động chưa tham gia BHYT

Đa số đại biểu đều thừa nhận đóng góp của lực lượng lao động di cư khu vực phi chính thức. Họ là những người vì lý do kiếm tiền mà phải xa gia đình, quê hương lên TP làm thuê, thu mua đồng nát, làm người giúp việc, buôn bán...
Phụ nữ tham gia vận chuyển hàng hóa tại chợ Long Biên.  	Ảnh: Duy Khánh
Phụ nữ tham gia vận chuyển hàng hóa tại chợ Long Biên. Ảnh: Duy Khánh
Nhiều người trong số họ sống trong những khu nhà trọ ẩm thấp, phải dùng nước giếng khoan, môi trường sống không đảm bảo, mức sống thấp... ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Thế nhưng, phần lớn đối tượng này chưa được tiếp cận các chính sách ưu việt dành cho người lao động như Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN) vì nhiều lý do.

Một trong những nguyên nhân được TS Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng chỉ ra là công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin chưa hiệu quả. Việc này khiến lao động di cư không hiểu rõ về lợi ích của việc tham gia BHXHTN, BHYT nên thờ ơ với các chính sách này. Ngay cả khi họ quan tâm, thì cũng không biết tìm kiếm thông tin ở đâu và thủ tục phải hoàn thành thế nào.

Kết quả nghiên cứu công bố năm 2015 của Viện Khoa học BHXH với 711 lao động phi chính thức tại Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai cho thấy, có đến 22,5% không biết quyền mua BHYT một cách tự do; 16,6% không biết mua BHYT ở đâu.

Một lý do nữa là quy trình thủ tục mua, sử dụng BHYT còn rườm rà, phức tạp. Đặc biệt là việc đăng ký mua BHYT theo hộ gia đình hiện nay đang là rào cản lớn đối với lao động di cư. Thủ tục khám chữa bệnh còn mất nhiều thời gian chờ đợi, chất lượng dịch vụ chưa cao. Bởi thế có đến 77,4% lao động phi chính thức trong tổng số 711 người được hỏi chưa tin vào chế độ BHYT; gần 50% người cho biết chưa tham gia BHYT vì khi có thẻ thì vào viện thì vẫn mất nhiều tiền.

Bất cập nữa là đặc thù công việc và từ chính bản thân họ. Chẳng hạn, công việc của họ mang tính di động, không có mối quan hệ lao động, làm công việc ngắn hạn, hoặc bị người chủ lách luật trốn đóng bảo hiểm. Cho nên, mỗi tháng họ kiếm được vài triệu đồng, trừ tiền thuê phòng trọ, gửi về quê, sinh hoạt phí thì không lấy đâu ra tiền để mua BHYT hay BHXHTN.

Tuyên truyền, tạo thêm chính sách

Lý giải vì sao chưa mua BHYT, chị Phùng Thị Khánh – một lao động di cư tự do cho biết: “Chúng tôi ở trọ trên TP nên không thể mua BHYT theo hộ gia đình. Nếu về quê mua, mà sống và làm việc ở trên này, mỗi khi bị ốm lại về quê thì bệnh càng thêm nặng. Ngoài ra, phải chi phí tiền tàu xe thì tốn kém. Chúng tôi chỉ muốn mua BHYT ở địa phương, khi ốm đau được tạo điều kiện nhập viện dễ dàng”.

Một lao động di cư khu vực phi chính thức khác cho biết: “Tôi năm nay 46 tuổi, có 30 năm đi làm thuê và kiếm sống ở TP và cũng chừng ấy thời gian bị bệnh hiểm nghèo. Tôi rất cần thẻ BHYT để điều trị, nhưng mỗi tháng chỉ kiếm được 2 triệu đồng, không dư tiền để mua. Vì mức tiền BHYT cao quá nên tôi rất muốn được đóng tiền làm 3 đợt”.

Nhiều giải pháp hỗ trợ đã được đề ra trước những khó khăn và rủi ro kép mà người lao động di cư khu vực phi chính thức gặp phải. Chẳng hạn như, tổ chức công đoàn trích một phần kinh phí từ nguồn quỹ để được mua BHYT; xây dựng những khu nhà để cho họ ở; thành lập những trung tâm kết nối tìm việc làm; khi ốm đau đến bệnh viện nào cũng được thay vì đến nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Cùng với đó là việc đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động khu vực phi chính thức hiểu hơn các lợi ích, để từ đó đưa chính sách đến gần với họ hơn.

TS Ngọc Anh khuyến nghị, Nhà nước cần xây dựng ngay lộ trình tăng chi trả khi khám vượt tuyến, ngoại trú cho lao động di cư; địa điểm mua BHYT linh hoạt; cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh... nhằm tạo niềm tin của lao động di cư khi sử dụng BHYT khám, chữa bệnh.
“Khi xây dựng văn bản có tính đến nhiều đối tượng thì nên đề cập đến người lao động di cư phi chính thức. Trong công tác truyền thông nên có sự tuyên truyền phù hợp hơn. Đã đến lúc xem họ là khách hàng tiềm năng, coi họ như một nhóm đối tượng có nhu cầu. Và, hãy nói với người ta bằng cách họ hiểu và tiếp cận theo cách họ chấp nhận; hãy làm cho họ hiểu các lợi ích này để về lâu dài chúng ta có dự phòng nhiều cho tương lai” - bác sĩ Nguyễn Thu Giang - Phó Viện trưởng Viện sức khỏe cộng đồng Ánh sáng, thành viên của Mạng lưới hành động Vì lao động di cư.