Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lao động nông thôn: Thiếu chính sách mang sinh kế dài lâu

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có những chính sách không còn phù hợp thực tiễn, cần đề xuất đưa ra chính sách mới để những nghề được đào tạo thực sự trở thành “cần câu cơm” cho người dân nông thôn. Đó là một nhận định rút ra từ đợt giám sát vừa qua của Thường trực HĐND TP Hà Nội về thực hiện quy định pháp luật trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn TP.

Dạy nghề thêu truyền thống tại Quất Động, huyện Thường Tín. Ảnh: Bá Hoạt
Chưa có nhiều doanh nghiệp “đặt hàng” tuyển dụng
Theo Sở LĐTB&XH, TP đặt mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 tổ chức đào tạo nghề cho 106.130 LĐNT, tối thiểu 80% người lao động (NLĐ) sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục nghề cũ nhưng năng suất cao hơn. Kết quả từ năm 2016 đến nay, toàn TP tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 2.198 lớp/76.203 LĐNT; 54.454/61.027 người học nghề xong có việc làm, đạt 89,23%, trong đó 11% người được DN/đơn vị tuyển dụng, 11,6% được DN/đơn vị bao tiêu sản phẩm, 76,4% tự tạo việc làm. Một số nơi lựa chọn được mô hình đào tạo nghề "đúng" và "trúng" nhu cầu, thu hút nhiều NLĐ tham gia. Điển hình như đào tạo nghề may công nghiệp tại huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai... được các trường nghề, trung tâm dạy nghề phối hợp DN đào tạo cho LĐNT, 85% người sau học nghề có việc làm. Hay phối hợp DN đào tạo nghề sản xuất hàng mây tre giang đan tại Chương Mỹ, học viên được DN bao tiêu sản phẩm hoặc ký kết hợp đồng làm việc tại DN...
Mỗi khóa đào tạo nghề nông thôn chỉ trong 3 tháng thì mới truyền tải được trình độ tay nghề rất sơ đẳng; sau đó NLĐ chỉ được được cấp chứng chỉ, rất khó xin việc. Hơn nữa, đào tạo 3 tháng cũng chưa thể chuyên sâu về kỹ thuật và cả kỹ năng ứng xử, ý thức làm việc. Vì vậy, nên tăng thời gian đào tạo nghề cho LĐNT cũng như thêm nội dung đào tạo về kỹ năng ứng xử khi làm việc.
Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Lê Thị Thiên Hương
Thực tế 5 năm qua, huyện Quốc Oai tổ chức 228 lớp đào tạo nghề cho 8.096 LĐNT, là huyện có số LĐNT được đào tạo lớn nhất TP; 100% người sau đào tạo nghề có việc làm. Huyện thực hiện được 3 mô hình thí điểm đào tạo nghề LĐNT theo phương thức đặt hàng, cho lao động đang làm việc tại chính các DN, lao động theo nhu cầu phát triển làng nghề và theo yêu cầu của DN cam kết bao tiêu sản phẩm. Tại Ba Vì từ năm 2016 đến nay cũng tổ chức được 214 lớp đào tạo nghề cho 7.452 LĐNT, có số LĐNT được đào tạo đứng thứ 2 tại TP; 90,08% học viên sau đào tạo nghề có việc làm. Một số nghề được chọn học nhiều, hiệu quả cao, giải quyết việc làm tốt là may công nghiệp, trồng cây ăn quả, chăn nuôi thú y...
Dù vậy, qua giám sát cho thấy, rào cản lớn là một bộ phận LĐNT chưa hiểu đầy đủ lợi ích, trách nhiệm người học nghề nên chưa chuyên cần đi học. Không ít người là lao động chính trong gia đình, nên cũng ảnh hưởng đến việc theo học nghề. Ngoài ra, công tác điều tra nhu cầu học nghề, tư vấn cho NLĐ ở một số xã chưa sát thực tế; việc đăng ký nghề học của LĐNT còn cảm tính. Đào tạo nghề theo nhu cầu người học cũng chưa gắn với kế hoạch phát triển KT -XH địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của DN; NLĐ sau đào tạo chưa duy trì được nghề lâu dài, thu nhập không ổn định…
Đặc biệt, thực tế chưa có nhiều DN tích cực tham gia giải quyết việc làm cho NLĐ sau học nghề, đa số học viên nghề nông nghiệp phải tự tạo việc làm, chưa có DN kết nối đặt hàng tuyển dụng sau học nghề. Đơn cử, trong những học viên có việc làm sau đào tạo nghề nông thôn tại Ba Vì, tới 79,09% là do tự tạo việc làm, chỉ 2,7% được DN tuyển dụng và 9,08% được DN bao tiêu sản phẩm. Huyện Quốc Oai được đánh giá có tỷ lệ LĐNT sau học nghề được DN tuyển dụng đạt cao nhất TP, con số này cũng mới đạt 33,83%, số lao động tự tạo việc làm vẫn chiếm 58,45%. Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cũng cho hay tại huyện, số LĐNT sau đào tạo nghề được DN tuyển dụng chỉ chiếm 6,76% số LĐNT được đào tạo.
Chú trọng kết nối doanh nghiệp
Trước những khó khăn hiện nay, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Thanh Nhàn cho rằng, chính sách đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định 1956/QĐ-TTG ngày 27/11/2009 về phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” sẽ kết thúc trong năm nay, nên T.Ư cần tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT để có việc làm ổn định, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động. Cũng cần điều chỉnh độ tuổi tham gia học nghề theo Bộ Luật Lao động sửa đổi và nâng mức hỗ trợ tối thiểu cho LĐNT tham gia học nghề để nâng chất lượng đào tạo. Với LĐNT có nhu cầu học trình độ cao đẳng, trung cấp, nên có chính sách miễn học phí để thu hút, tạo nguồn nhân lực chất lượng.
Để tạo nhiều việc làm cho LĐNT, T.Ư và TP cần quan tâm hơn tới công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cơ cấu cây trồng vật nuôi, giúp mở rộng được các trang trại chăn nuôi, DN hoạt động...
Bí thư Đảng ủy xã Tản Hồng (huyện Ba Vì) Lê Văn Kính
Từ thực tế tại địa phương, lãnh đạo các huyện đề nghị TP có chính sách hỗ trợ DN tuyển dụng để họ phối hợp với cơ sở đào tạo, vừa dạy nghề vừa làm ra sản phẩm, giúp tăng thu nhập cho người học, giải quyết việc làm sau đào tạo. Các sở, ngành cần hỗ trợ chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ LĐTB&XH cơ sở, nhất là học tập mô hình dạy nghề tạo việc làm hiệu quả để áp dụng trên địa bàn. Với những huyện có đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực người dân thu hồi đất lớn để thực hiện các nhiệm vụ công ích của TP như Ba Vì, Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Quang Trung đề xuất, TP cũng cần có chính sách đặc thù, có chính sách hỗ trợ sản xuất cho NLĐ khu vực này. Đồng thời quan tâm hơn về nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH để hỗ trợ giải quyết việc làm cho các hộ cận nghèo.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà lưu ý, với tỷ lệ LĐNT sau học nghề được DN tuyển dụng và bao tiêu sản phẩm thấp hiện nay, các huyện cần nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các công ty, tổ HTX trên địa bàn để can thiệp, giúp NLĐ có việc làm, thu nhập ổn định. Hơn nữa, cần nghiên cứu lại mô hình đào tạo nghề nông thôn ở một số nơi, khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng, giáo viên chưa được cập nhật kiến thức khi đào tạo nghề mới; tiến tới đưa việc đào tạo nghề nông thôn vào những cơ sở chuyên nghiệp, gắn với giải quyết việc làm ngay sau đào tạo. “Có những chính sách không còn phù hợp thực tiễn và đạt hiệu quả, Sở LĐTB&XH cần tham mưu không tiếp tục thực hiện. Đồng thời đề xuất chính sách mới để có những nghề được đào tạo thực sự trở thành “cần câu cơm” cho LĐNT, có kết nối với DN để cam kết tạo việc làm cho NLĐ sau đào tạo”- Phó Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các huyện rà soát, xây dựng kế hoạch và dự báo nhu cầu đào tạo nghề nông thôn cho sát thực tế phát triển KT - XH địa phương. Trong đó, các nghề nông nghiệp phải phù hợp QH xây dựng nông thôn mới, QH sản xuất nông nghiệp; nghề phi nông nghiệp thì xuất phát từ QH sản xuất công nghiệp, dịch vụ, QH phát triển TTCN… Đồng thời, cần tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của các ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội và người dân đối với việc tổ chức các lớp đào tạo nghề LĐNT, bảo đảm việc tổ chức dạy - học đủ thời gian và đúng đối tượng, định mức, chế độ chi.