Doanh nghiệp cần nhưng người lao động chưa muốn
Trao đổi về nhu cầu tuyển lao động, bà Nguyễn Thị Hạnh – phụ trách nhân sự Công ty CP Cao su Hà Nội không giấu, do nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất lên gấp 3 lần, Công ty cần tuyển 150 lao động phổ thông làm việc trực tiếp, mức lương ban đầu từ 4 - 7 triệu đồng/tháng, tùy vị trí làm việc. Tuy nhiên cả buổi sáng của phiên giao dịch việc làm mới đây (21/2), Công ty chỉ nhận được... một bộ hồ sơ đăng ký ứng tuyển. "Tôi thấy tuyển được lao động vào làm việc thời điểm này khó quá” – bà Hạnh thành thật. Tương tự, nhiều DN khác như Công ty TNHH Thương mại Sao Sơn Dương, Công ty TNHH Sản xuất thương mại THP Việt Nam… cũng khó tuyển người làm dù chỉ lấy lao động phổ thông, với các chính sách có lợi cho người lao động (NLĐ). Đơn cử như: Công ty CP Dịch vụ bảo vệ Thắng Lợi tuyển 10 nhân viên bảo vệ, lương thử việc 3 tháng đầu là 4,5 triệu đồng/tháng, sau đó tăng lên 5,5 triệu đồng/tháng, cứ 3 tháng lại tăng lương một lần. Ứng viên chỉ cần đáp ứng được yêu cầu về chiều cao, cân nặng và đã tốt nghiệp THPT. Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Phúc – cán bộ Phòng Hành chính nhân sự cho biết, chỉ nhận được vài bộ hồ sơ trong phiên giao dịch việc làm.Người lao động đăng ký phỏng vấn tuyển dụng tại Trung tâm giao dịch Việc làm Hà Nội. Ảnh: Công Hùng |
DN khó tuyển dụng, NLĐ thiếu việc làm nhưng vẫn không "tìm thấy nhau". Lý do lớn nhất được nhiều DN công nhận là các DN có vốn đầu tư nước ngoài tuyển số lượng lớn lao động phổ thông vào làm công nhân với mức lương từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, DN trong nước chỉ có thể trả lương tối đa 5 triệu đồng/tháng cho vị trí công nhân sản xuất. Vì thế, nhiều NLĐ, thậm chí người có trình độ đại học (ĐH) cũng chấp nhận đi làm công nhân cho DN FDI. Khảo sát trong số NLĐ đi tìm việc cũng nhận được câu trả lời với lý do tương tự.
Nhu cầu nhân lực tăng đềuThông tin về thị trường lao động việc làm từ sau Tết Nguyên đán đến nay, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu cho biết: Năm nay, số lao động “nhảy việc” không nhiều. Các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn do mở rộng quy mô, vì thế mỗi phiên giao dịch của Trung tâm diễn ra vào ngày thứ Ba, thứ Năm hàng tuần đều tăng chỉ tiêu, từ 500 - 700 vị trí việc làm. Đặc biệt, phiên đầu Xuân có hơn 1.000 việc làm bởi nhiều công ty muốn tuyển lao động mới cho cả năm.Nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trình độ phổ thông ngang với trung cấp kỹ thuật và cao đẳng, ĐH trên dưới 30%. Những DN cần lao động trình độ ĐH thường tuyển nhân viên ở vị trí quản lý, kế toán… Các nhà máy, đơn vị sản xuất, kinh doanh cần nhiều lao động trình độ phổ thông để chuyển hàng, vận chuyển máy móc, đóng gói hàng, làm việc toàn hoặc bán thời gian. Mức lương được các DN đề xuất khi tuyển dụng tối thiểu là 3,75 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn hỗ trợ tiền ăn giữa ca, làm thêm giờ… Cũng có những vị trí lao động chất lượng cao như quản lý, mức lương lên tới 20 – 25 triệu đồng/tháng. Tuy cung và cầu tăng, nhưng hai bên mới chỉ đáp ứng được từ 40 – 50%. Nhìn nhận lý do lương thấp mà NLĐ đưa ra, DN lại cho rằng nhiều người tìm việc chưa đáp ứng được yêu cầu về điều kiện, thiếu kỹ năng giao tiếp, hay không đáp ứng yêu cầu về quy định giờ làm việc…Hơn 100.000 DN vừa và nhỏ được thành lập trong năm qua, các chuyên gia dự đoán nhu cầu tuyển dụng mới lao động sẽ tiếp tục tăng với đà phát triển này. Điều đó sẽ góp phần giảm bớt tình trạng dư thừa lao động hiện nay. Tuy nhiên, DN cần có những chính sách ưu đãi để thu hút NLĐ; còn NLĐ nên bổ trợ những kỹ năng còn thiếu để đáp ứng yêu cầu của DN.Trước việc nhiều gia đình trong TP đang cần tìm người giúp việc theo giờ và cả ngày, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Nguyễn Toàn Phong cho biết, Trung tâm đang nghiên cứu, tính toán để báo cáo Sở LĐTB&XH và TP tổ chức lại hoạt động này. Hiện nay, các trung tâm bên ngoài tổ chức đào tạo kỹ năng cho người giúp việc cũng như giới thiệu việc làm khá hiệu quả. Tuy nhiên, nguồn cung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường. |