Phường, quận chưa hợp tác tích cựcCuối năm 2016, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận cho Công ty CP Thương mại và Truyền thông Vinasing (Công ty Vinasing) đầu tư 1.000 NVSCC, 10 xe bồn, 50 cây lọc nước uống trực tiếp và 200 ghế gang đúc hoặc inox phục vụ cộng đồng. Đổi lại, Công ty được phép khai thác quảng cáo trên hệ thống cầu vượt dành cho người đi bộ. Theo kế hoạch năm 2017, Công ty sẽ bàn giao 250 nhà vệ sinh, trong đó quý I/2017 là 100 nhà vệ sinh. Tuy nhiên, theo thống kê của Công ty Vinasing đến ngày 26/8 vừa qua mới chỉ lắp đặt được 98 NVSCC cả ở nội và ngoại thành, trong đó đã bàn giao đưa vào sử dụng 43 nhà. Trưởng BQL Dự án, Công ty Vinasing Lê Đức Thùy cho biết, số còn lại đang khẩn trương hoàn thiện bàn giao trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9.
|
Nhà vệ sinh công cộng trên phố Lê Thanh Nghị mới đưa vào sử dụng nhưng mái đã bị dột khi có mưa. Ảnh: Vũ Lê |
Theo ông Lê Đức Thùy, việc lắp đặt NVSCC đang phát sinh nhiều vướng mắc. Trong đó, khó khăn nhất là các phường, quận chưa hợp tác tích cực để giải phóng và bàn giao mặt bằng. “Đến ngày 20/8, sau 3 ngày cùng với Ban Duy tu các công trình Hạ tầng kỹ thuật và lãnh đạo các quận nội thành tiến hành rà soát cũng mới chỉ xác định được 36 vị trí. Trong đó, chính thức có biên bản bàn giao là 27 vị trí, ngoài ra vẫn còn chờ lấy ý kiến của cán bộ và Nhân dân trên địa bàn” – ông Thùy cho biết thêm.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến gây lãng phí và ảnh hưởng đến tiến độ dự án là khâu khảo sát trước khi bàn giao mặt bằng chưa được thực hiện kỹ. Do vậy, không ít vị trí đã thi công hoàn thiện vẫn bị nguời dân phản ứng yêu cầu di dời, thậm chí đập phá, buộc chủ đầu tư phải dừng thi công. Cụ thể như tại các vị trí: Hồ Hào Nam (quận Đống Đa); Công viên Tuổi Thơ (khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai); trên hè Cục Đăng kiểm (quận Nam Từ Liêm); tường rào trường Tiểu học Phú La (quận Hà Đông); Phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ)...
Thực hiện nghiêm chỉ đạoTại cuộc họp tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội về thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống NVSCC phục vụ cộng đồng trên địa bàn Hà Nội mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, việc triển khai dự án của Vinasing còn chậm, các sở, ngành chức năng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Đối với các quận, huyện, thị xã, việc xây dựng NVSCC phục vụ Nhân dân là trách nhiệm của chính quyền. Đây cũng là một tiêu chí văn minh đô thị. Công ty Vinasing thực hiện đầu tư dự án theo phương thức xã hội hóa, các cấp, các ngành phải ủng hộ, tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai thuận lợi.
Chủ tịch UBND TP đã yêu cầu các quận, huyện và thị xã tập trung phối hợp với chủ đầu tư, chỉ đạo các phường, xã, thị trấn phối hợp với nhà đầu tư, xử lý nghiêm các trường hợp ngăn cản, gây khó khăn khi lắp đặt NVSCC. Sở KH&ĐT hoàn chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng hệ thống NVSCC trên địa bàn để trình phê duyệt theo nguyên tắc lập cơ chế khung. Số lượng lắp đặt trước mắt là 500 NVSCC, có thể điều chỉnh trong quá trình thực hiện. Về phía nhà đầu tư, cần hoàn thiện các sản phẩm theo đúng cam kết, đồng thời chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để khảo sát, thống nhất địa điểm lắp đặt. Đối với nhà vệ sinh chưa lắp đặt theo đúng số lượng trong năm 2017, xe bồn chuyên dụng, cây lọc nước uống trực tiếp và ghế gang đúc, Vinasing phải hoàn thành và đưa vào sử dụng trước ngày 2/9.
Ngoài việc chậm tiến độ lắp đặt, theo ghi nhận của phóng viên, một số NVSCC mặc dù mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp như hỏng các thiết bị, thấm dột khi mưa lớn... |