Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lập Đoàn kiểm tra dự án xây dựng nhà ở cho HSSV Pháp Vân - Tứ Hiệp

Linh Đan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 357/QĐ-UBND về thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra quá trình thực hiện và thực trạng quản lý nhà dự án xây dựng nhà ờ cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp.

Theo quyết định, Trưởng đoàn kiểm tra là Phó Chánh Thanh tra thành phố; Phó đoàn kiểm tra là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Thành viên Đoàn kiểm tra gồm Phó Giám đốc các sở: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai.
Đoàn kiểm tra sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát quá trình thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân -Tứ Hiệp; kiểm tra chất lượng công trình, kiểm tra, đánh giá thực trạng việc quản lý sử dụng nhà; đánh giá hiệu quả của dự án. Căn cứ kết quả kiểm tra, trên cơ sơ hồ sơ dự án và báo cáo của Sở Xây dựng theo chỉ đạo của UBND thành phố, kiến nghị biện pháp giải quyết phù hợp.
 Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp bị bỏ không. Ảnh: Nguyễn Thắng - TTXVN
Trưởng Đoàn kiểm tra có trách nhiệm quản lý, điều hành hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Đoàn kiểm tra; các thành viên Đoàn kiểm tra chấp hành sự phân công của của Trưởng Đoàn kiểm tra, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, báo cáo UBND thành phố trước ngày 15/1.
Trước đó, báo chí đã có bài phản ánh về Dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp. Theo đó, dự án khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp do Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng (thuộc Sở Xây dựng Hà Nội) làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng. Dự án gồm 6 tòa nhà cao 19 tầng, với hơn 1.400 phòng, cung cấp nhu cầu nhà ở cho khoảng 10.800 sinh viên nhưng nhiều năm nay sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng lại không sử dụng hết công năng. Nhiều diện tích bỏ không, thậm chí bỏ hoang.
So với những ký túc xá cũ của nhiều trường đại học lớn quanh khu vực Pháp Vân như Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Bách Khoa… thì cơ sở vật chất tại khu nhà ở sinh viên này vượt trội về nhiều mặt. Có thang máy di chuyển giữa các tầng, hành lang đi lại rộng, có không gian sinh hoạt, học tập chung, có phòng tắm nóng lạnh nhưng hàng chục nghìn sinh viên đang học tập quanh khu vực Pháp Vân lại không lựa chọn khu nhà ở sinh viên này. Nguyên nhân được chính các sinh viên đưa ra là khu nhà ở này nằm cách xa các trường đại học, thiếu xe buýt đi lại, thiếu thư viện học tập, không tiện ích cho sinh hoạt, học tập hàng ngày của sinh viên.

Theo các chuyên gia, bản chất của chính sách phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên là đúng nhưng những bất cập trong triển khai xây dựng đã khiến các dự án nhà ở sinh viên không thể phát huy hiệu quả. 

Đến nay, trong số 6 tòa nhà cao tầng (từ A1 đến A6) trong khu nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp chỉ có 3 tòa A1, A5 và A6 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tỷ lệ lấp đầy của 3 tòa nhà này chỉ đạt khoảng 15% tổng số phòng được xây dựng. Số phòng ở còn lại dù đã được đầu tư đầy đủ trang thiết bị nhưng vẫn đang để hoang trong nhiều năm qua. Ba tòa nhà cao tầng còn lại là A2, A3, A4 mới hoàn tất phần thô và đang nằm phơi mưa nắng.

Trước thực trạng này, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị thành phố Hà Nội cho phép chuyển đổi tòa nhà nhà A3 từ nhà ở sinh viên sang loại hình nhà xã hội để bán cho người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn. Nếu áp dụng phương án này sẽ thu hồi được khoảng 110 tỷ đồng để thanh toán cho đơn vị thi công và đầu tư cho các hạng mục còn lại.

Theo Sở Xây dựng thì khi chuyển đổi hạng mục nhà A3 từ nhà ở sinh viên sang căn hộ để bán sẽ phải điều chỉnh công năng công trình cho phù hợp mục đích sử dụng.