Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lập tổ dân phố ở khu chung cư: Nhiều vướng mắc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 4/10, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã làm việc với Sở Nội vụ về việc thực hiện pháp luật trong quản lý nhà chung cư, đầu tư và quản lý nhà chung cư trên địa bàn.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng, với công tác quản lý nhà chung cư, vấn đề vướng nhất hiện nay là thành lập Ban Quản trị chung cư và quản lý dân cư, những phát sinh như thu phí cao hơn, không thực hiện đúng quy chế dân chủ ở cơ sở, khiến tình hình quản lý đang hết sức phức tạp. Đến nay, tại các quận và huyện Từ Liêm, hiện mới có 221 tổ dân phố được thành lập ở các chung cư, còn lại đang trong quá trình khảo sát hiện trạng, xây dựng đề án, thực hiện trình tự, thủ tục để thành lập khi có điều kiện. Cùng với đó, việc tồn tại nhiều quỹ nhà và thuộc sự quản lý của nhiều cơ quan cũng gây khó khăn trong quản lý.

Trong quý IV, Sở Nội vụ sẽ khảo sát các khu dân cư, tổ dân phố trên địa bàn để trình thành phố sửa đổi, bổ sung Quyết định 42/2010/QĐ-UBND phù hợp với quy định mới và đặc thù của Thủ đô. Đối với những chung cư chưa có đủ điều kiện về số hộ để thành lập tổ dân phố, UBND cấp phường đã có phương án bố trí để các hộ dân này sinh hoạt theo tổ dân phố liền kề. Sở Nội vụ đã đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục hướng dẫn bổ sung, cụ thể hóa thêm Quy chế Quản lý nhà chung cư, trong đó quy định rõ trình tự, thủ tục thành lập Ban Quản trị nhà chung cư, cơ quan tham mưu, thẩm định và trình UBND cấp quận ra Quyết định công nhận Ban Quản trị.

 Đi sâu vào mô hình quản lý, thành lập hệ thống chính trị cơ sở tại các khu chung cư, đây là những vấn đề liên quan trực tiếp tới công tác của Sở, đoàn giám sát đề nghị Sở cần làm rõ trách nhiệm tham mưu khi giải quyết các phát sinh trong thành lập Ban Quản trị; thành lập tổ dân phố tại các khu vực giáp ranh... và tiếp tục đôn đốc việc thực hiện tại các khu chung cư.
Lập tổ dân phố ở khu chung cư: Nhiều vướng mắc - Ảnh 1

Giờ học của lớp 1A trường Tiểu học Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Ảnh: Hạnh Phúc

* Sáng 4/10, Ban Văn hóa xã hội, HĐND TP đã khảo sát tình hình thu, chi học phí và một số khoản thu khác năm học 2012 - 2013 tại trường Tiểu học Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân).

Theo báo cáo của bà Nguyễn Thị Bích Loan, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Trãi, nhà trường hiện có 38 lớp học với 2.117 học sinh và 84 cán bộ giáo viên, nhân viên. Đối với các khoản thu, chi nhà trường đều có văn bản thỏa thuận với từng cha mẹ học sinh (CMHS) trên tinh thần tự nguyện và thống nhất. Tuy nhiên, cách huy động nguồn xã hội hóa để sửa chữa, nâng cấp 2 lớp học 1A, 1B của trường chưa đúng quy trình, cách thức.

Qua giám sát, Ban Văn hóa xã hội HĐND TP kết luận, trường đã chủ động triển khai công tác thu, chi học phí và một số khoản thu khác năm học 2012 - 2013 cơ bản đúng với quy định. Nhưng do Ban giám hiệu nhà trường và Ban đại diện CMHS nhận thức chưa đúng Thông tư 55 nên một số khoản thu tự nguyện không phù hợp. Đoàn giám sát đề nghị Ban đại diện CMHS cần có kế hoạch năm với dự toán thu, chi rõ ràng; Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân rà soát các đối tượng được miễn, giảm học phí và các khoản thu khác; chỉnh sửa, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ để hài hòa giữa lợi ích của thầy, cô giáo và phúc lợi của nhà trường; nhà trường phải rà soát, chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm, học nâng cao, bổ trợ; Đặc biệt, nguồn xã hội hóa liên quan tới việc nâng cấp lớp 1A, 1B phải được hoàn trả lại cho từng cha mẹ học sinh và có văn bản danh sách nhận lại tiền báo cáo tới Ban Văn hóa xã hội HĐND TP trong tháng 10/2012.