Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lập vùng cấm bay quanh nhà máy Fukushima

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 15/3, Nhật Bản đã thiết lập vùng cấm bay trong bán kính 30km xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Quyết định này được đưa ra dựa trên Luật hàng không dân sự, không cấm các chuyến bay phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ.

KTĐT - Ngày 15/3, Nhật Bản đã thiết lập vùng cấm bay trong bán kính 30km xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Quyết định này được đưa ra dựa trên Luật hàng không dân sự, không cấm các chuyến bay phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ.

Trước đó, Nhật Bản đã chính thức đề nghị Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cử chuyên gia tới hỗ trợ khắc phục sự cố hạt nhân tại nước này sau các trận động đất và sóng thần hôm 11/3.

Phát biểu trong cuộc họp kín tại trụ sở của IAEA ở Vienna, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano ngày 14/3 thông báo: "Chính phủ Nhật Bản đã đề nghị IAEA cử chuyên gia hỗ trợ. Chúng tôi đang thảo luận chi tiết về việc này."

Ngay sau khi trận động đất xảy ra gây hư hại cho nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, nằm cách Tokyo 250km về phía Đông Bắc, IAEA đã đề nghị trợ giúp Chính phủ Nhật Bản.

Cao ủy về Năng lượng của Liên minh châu Âu (EU), ông Guenther Oettinger cũng kêu gọi IAEA họp khẩn cấp vào tuần tới nhằm thảo luận về sự cố hạt nhân ở Nhật Bản để đưa ra cách thức phản ứng thống nhất của EU và khởi động cuộc thảo luận về các tác động có thể xảy ra đối với an toàn hạt nhân.

Trong khi chờ đợi, ông Oettinger đã triệu tập một cuộc họp bất thường tại Brussels, Bỉ ngày 15/3 với sự tham gia của các Bộ trưởng Năng lượng EU, các quan chức trong lĩnh vực an toàn hạt nhân quốc gia và các công ty năng lượng lớn nhằm thảo luận biện pháp an toàn hạt nhân ở châu Âu.

Hiện, châu lục này có khoảng 150 lò phản ứng hoạt động, trong khi nhiều nhà máy điện hạt nhân nằm tại các khu vực hay xảy ra động đất.

Trong khi đó, một cuộc họp cấp bộ trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) dự kiến diễn ra tại Paris (Pháp) trong ngày hôm nay (15/3) để thảo luận cách thức hỗ trợ tốt nhất cho Nhật Bản sau thiên tai gây ảnh hưởng tới các nhà máy điện hạt nhân.

Dự kiến, tân Ngoại trưởng Nhật Bản Takeaki Matsumoto sẽ gặp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trước khi sang Cairo (Ai Cập) và Tunis (Tunisia).

Ủy ban Quản lý hạt nhân của Mỹ (NRC) ngày 14/3 cho biết Nhật Bản đã đề nghị Mỹ giúp kiểm soát các nhà máy điện hạt nhân bị hư hại sau thảm họa động đất và sóng thần. NRC đang cân nhắc khả năng đáp ứng đề nghị này, bao gồm cả cố vấn về kỹ thuật.

Liên quan đến các nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, nhiều nước tiếp tục trợ giúp các nạn nhân của động đất và sóng thần ở Nhật Bản.

Hội Chữ thập Đỏ Trung Quốc đã quyết định hỗ trợ thêm 5 triệu NDT (hơn 760.000 USD) cho Hội Chữ thập Đỏ Nhật Bản, ngoài 1 triệu USD mà tổ chức này đã thông báo trước đó.

Các tổ chức cứu trợ của Mỹ, trong đó có Hội chữ thập Đỏ Mỹ, Hội Cứu trợ Trẻ em, Lực lượng Quân đội cứu hộ, cùng nhiều doanh nghiệp của Mỹ như Ngân hàng Goldman Sachs, Morgan Stanley, Tập đoàn Bảo hiểm Aflac... cho biết đã quyên góp được hơn 22 triệu USD để hỗ trợ các nạn nhân Nhật Bản.

Tập đoàn General Electric - đơn vị cung cấp các lò phản ứng cho nhà máy Fukushima 1 - cũng đã đề xuất cung cấp mọi hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để khắc phục hậu quả tại các lò phản ứng hạt nhân bị hư hại./.