Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lấy doanh nghiệp tư nhân làm nền tảng cho phát triển

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Khi hội nhập các DN trong nước buộc phải mạnh lên. Một trong những ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới là phát triển kinh tế tư nhân” - Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh chia sẻ tại Hội nghị quốc tế “Quản trị kinh tế hướng tới một nhà nước kiến tạo” do Bộ KH&ĐT cùng Nhóm Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức.

Theo ông Bùi Quang Vinh, sau 15 năm, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ tăng 1.600 USD, trong khi đó con số này ở Thái Lan là 3.600 USD, Malaysia là 6.500 USD và Hàn Quốc là 16.000 USD, và khoảng cách này của Việt Nam so với các nước lớn ngày càng xa.

Cùng với đó, ông Bùi Quang Vinh đã chỉ ra những thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong thời gian tới. Đầu tiên là thời gian còn lại của thời kỳ dân số vàng của Việt Nam còn rất “ngắn ngủi”, chỉ còn 5 - 10 năm nữa. Thứ hai, những động lực từ công cuộc đổi mới trước đây đang cạn dần. Việt Nam đã chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường, dù chưa đầy đủ, nhưng đã tạo ra nhiều động lực mạnh mẽ, đưa nền kinh tế có quy mô như hiện nay, thị trường tiền tệ và hàng hóa phát triển, xóa bỏ nỗi ám ảnh về thời kỳ tem phiếu. Tuy vậy, các động lực đó đang tới hạn. Do đó, Việt Nam cần tìm ra những động lực mới mang tính căn cơ hơn nữa, đặc biệt về thể chế. Đây cũng là cơ hội và dư địa để phát triển, ông Vinh nhấn mạnh.

Ngoài ra, hội nhập sâu hơn về kinh tế đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức cho Việt Nam. Trong khi đó, dư địa cho tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên khoáng sản cũng không còn nhiều lợi thế. Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, chúng ta chấp nhận hội nhập tức là chấp nhận cạnh tranh. “Nếu tận dụng tốt sự tiến bộ về khoa học công nghệ, Việt Nam sẽ tăng tính cạnh tranh và tạo ra những bước nhảy vọt. Ngược lại, nếu không tận dụng được cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế Việt Nam sẽ còn tụt hậu xa hơn nữa” - ông Vinh nói. Trong khi đó, tăng trưởng năng suất đã trên đà giảm xuống chỉ còn 4,5% như hiện nay, trở thành thách thức đối với tăng trưởng và việc làm đến năm 2035. Do đó, một trong những ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới là phát triển kinh tế tư nhân.

Theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, Việt Nam cần cố gắng đạt được khả năng tăng trưởng bền vững trước biến động của biến đổi khí hậu. Đối với đội ngũ lãnh đạo cần đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, nhất quán với tầm nhìn trong báo cáo Việt Nam lộ trình hướng tới năm 2035. Cần đẩy mạnh cải cách thể chế hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ nhằm phá rào cản sự phát triển của khu vực DN tư nhân.