Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lấy nghệ thuật nuôi nghệ thuật

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chương trình "Tiếng đàn, giọng ca cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội" đang trình diễn 2 buổi/tuần tại rạp Chuông Vàng (72 Hàng Bạc, Hà Nội).

Vậy là sau một thời gian dài loay hoay tiếp cận thị trường, bước đầu Nhà hát Cải lương Hà Nội đã nghĩ được "kế" nuôi nghề bằng chính tài năng nghệ thuật của mình.
 
Nghệ thuật đến từ khán giả

"Tiếng đàn giọng ca cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội" là mô hình sân khấu nhỏ mang tính xã hội hóa với sự tham gia diễn xuất của khán giả. Điều khiến khán giả thích thú là họ có thể ca một bài vọng cổ, hoặc có thể yêu cầu được diễn cùng diễn viên chuyên nghiệp. Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội Trần Quang Hùng cho biết: "Đây là mô hình sân khấu nhỏ thử nghiệm với sự tham gia của khán giả, bên cạnh sự hướng dẫn của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhằm gây dựng phong trào ca, diễn không chuyên. Dù kỹ thuật biểu diễn vẫn chưa tốt, nhưng đây là hình thức để những ai chưa biết về cải lương sẽ hiểu hơn loại hình nghệ thuật này. Bên cạnh đó, đây là cơ hội phát hiện tài năng trẻ để có hướng tuyển dụng, đào tạo lâu dài". Hiện, Nhà hát đang có khoảng 20 diễn viên không chuyên tham gia biểu diễn. Ngoài phần hát cùng khán giả, chương trình còn bổ sung các trích đoạn nổi tiếng, ca vọng cổ, ca tân cổ giao duyên, ca chặp bài, ca lẻ, diễn tấu cá nhân do nghệ sĩ thực hiện.

Lấy nghệ thuật nuôi nghệ thuật - Ảnh 1

Một cảnh trong “Tiếng đàn, giọng ca cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội”.

Hiệu ứng từ khán giả đã cho thấy, nghệ thuật hát cải lương bước đầu đã tìm được đường đi hợp lý tại Hà Nội. Như "diễn viên không chuyên" Trần Văn Thắng, 70 tuổi chia sẻ: "Tôi yêu cải lương từ bé, mơ ước được diễn và ca trên sân khấu. Khi câu lạc bộ những người yêu cải lương Hà Nội thông báo có chương trình biểu diễn, tôi đã xin tham gia. Nhiều hôm tập luyện cùng các nghệ sĩ của nhà hát, tôi hiểu hơn về cải lương, cũng như  kỹ thuật lấy hơi, ngân nga". Số người đến thưởng thức các đêm diễn, cùng với sự hưởng ứng sau mỗi tiết mục cũng là điều đáng ghi nhận ở chương trình này.

Khéo nuôi nghệ thuật

Với mô hình xã hội hóa này, các nghệ sĩ  vừa làm được chuyên môn, vừa chủ động tìm đối tác - tài trợ, và người yêu mến cải lương được tham gia như nghệ sĩ sáng tạo và thụ hưởng nghệ thuật dân tộc. Đã đi qua những thăng trầm của cải lương, giờ xem chương trình, NSND Mạnh Tưởng không giấu được niềm vui, Ông cho rằng, chương trình này là một cách làm hay để phát triển phong trào đờn ca cải lương ở phía Bắc. Sân khấu cải lương miền Bắc rầm rộ từ những năm 1929 - 1930 và có rất nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng không thua kém gì phương Nam, nhưng sau đó bị co hẹp lại. Nay, phong trào cải lương có thể được nhân rộng theo mô hình này để những người chưa hiểu sẽ hiểu thêm về cải lương, những ai đã yêu, càng thêm yêu cải lương…

NSND Phạm Thị Thành còn đưa ra một nhận định rất thực tế: "Gần đây, một số đơn vị đã làm một số chương trình theo kiểu như thế này nhưng dựng hẳn thành vở diễn như: "Dạ cổ hoài lang"; "Khoảng trời phương Nam"... Trong khi Nhà hát Cải lương Hà Nội thiên về làm trích đoạn, sử dụng diễn viên không chuyên và thực tế đã lôi kéo khá đông khán giả. Mô hình này khá mới và cần nhân rộng sang các loại hình nghệ thuật dân tộc khác. Bởi, từ đây Nhà hát Cải lương đã dần tạo được lòng tin tới khán giả, có ý nghĩa đặc biệt trong thời buổi có nhiều loại hình âm nhạc như hiện nay".

Đây là mô hình thử nghiệm thứ hai theo phương thức xã hội hóa của Nhà hát Cải lương Hà Nội sau chương trình có phiên dịch tiếng Anh qua hệ thống tai nghe dành cho du khách nước ngoài đang được tổ chức khá thành công. Giám đốc Trần Quang Hùng cho biết, khi có nhiều người đăng ký tham gia, chương trình sẽ được tổ chức thường xuyên hơn. Quả là các nghệ sĩ cải lương Hà Nội đã tìm ra cách "lấy nghệ thuật để nuôi nghệ thuật" rất thức thời, vừa thu hút được khán giả lại vừa phát triển được nghệ thuật cải lương ở Hà Nội.