Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lây nhiễm cúm gia cầm: Nguy cơ từ việc giết mổ tràn lan

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc gia cầm sống được bày bán tràn lan cùng hoạt động giết mổ trong các chợ dân sinh cả ở nội thành và ngoại thành Hà Nội đang trở thành mối lo lây lan dịch cúm gia cầm trên địa bàn TP.

Vô tư giết mổ 
Nằm ven đường QL21B, chợ Thạch Bích, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai hoạt động buôn bán diễn ra khá thuận lợi. Đáng chú ý, giữa lúc dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 đang xuất hiện ở nhiều địa phương nhưng hoạt động buôn bán gia cầm sống tại chợ này vẫn rất nhộn nhịp. Đoạn đường ngắn chừng 200m có tới gần 10 hộ buôn bán vịt, ngan, gà lông và cả gia cầm, thủy cầm giống. Thậm chí, một số hộ kinh doanh còn thực hiện việc giết mổ ngay tại chỗ phục vụ nhu cầu của khách. Hoạt động này rõ ràng không đảm bảo an toàn dịch bệnh.
 Giết mổ gia cầm tại chợ Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Quang Thiện
Chị Thanh, một người bán gia cầm tại chợ Thạch Bích cho biết, thời điểm này, giá vịt, ngan có nhích lên đôi chút nhưng nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng giảm hẳn, một phần do tâm lý e ngại dịch cúm gia cầm. Tận dụng diện tích trước cửa nhà ven đường QL21B, vợ chồng chị Thanh mở luôn dịch vụ thịt gà, vịt cho khách. Dù sàn đã được lát gạch, song quá trình giết mổ vẫn thải ra nhiều lông và nước bẩn, đặc biệt nồi nước sôi dùng để nhúng gà, vịt vào vặt lông được sử dụng nhiều lần. Ước tính mỗi ngày, chị Thanh bán được khoảng 50 con gà, ngan, vịt các loại. “Nhà tôi chủ yếu bắt gà, vịt trong dân nuôi hoặc các chợ đầu mối lớn nên không lo có dịch bệnh” – chị Thanh cho biết.
Khác với chợ Thạch Bích, chợ Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã quy hoạch các hộ bán gia cầm, thủy cầm sống ra một khu riêng. Tuy nhiên, địa điểm chợ là mặt đường nhớp nháp khi trời mưa, kết hợp với nước tràn ra từ quá trình giết mổ khiến cho khu vực này khá bẩn. Các loại gà, vịt, ngan được nhốt vào những chiếc bu lớn, bên cạnh là lò đặt nồi nước sôi và mấy chậu nước đỏ ngầu máu từ quá trình giết mổ. Bà Hạnh, một hộ bán gà, vịt tại đây cho biết, thông tin về dịch cúm gia cầm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh. Trước kia mỗi ngày, bà bán được 30 – 40 con vịt, chưa kể gà nhưng nay chỉ được khoảng 10 con/ngày. Dù biết đang có dịch cúm gia cầm nhưng khi giết mổ, bà Hạnh không sử dụng găng tay bảo hộ hay khẩu trang. Bà Hạnh thật thà: “Nếu mình đeo khẩu trang thì ai dám hỏi mua hàng nữa (?!)”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài mua gà, vịt từ trong dân, các hộ buôn bán gia cầm, thủy cầm ở chợ Chúc Sơn thường đi gom hàng ở các chợ lân cận như chợ Gốt (xã Đông Sơn), chợ Gốm (xã Hữu Văn), huyện Chương Mỹ… và một số chợ đầu mối khác. Đáng chú ý, có tiểu thương cho biết không ít lần mua gà, vịt về nhốt bị “rù” chết. Không riêng gì ngoại thành, tại nhiều chợ dân sinh, chợ cóc, trong khu vực nội thành, hoạt động giết mổ gia cầm ngay tại chợ cũng diễn ra khá phổ biến và thường xuyên.

Chặn từng mối lo

Cho đến nay, Hà Nội chưa ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm nào, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm là hoàn toàn có thể xảy ra khi một số địa phương lân cận như Nam Định, Bắc Ninh đã ghi nhận các ổ dịch. Hơn nữa, theo kết quả khảo sát của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), qua giám sát trung bình vẫn có tỷ lệ 1 - 7% gia cầm, thủy cầm đặc biệt là vịt, ngan khỏe mạnh nhưng mang virus cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6. Trong đó, các chợ dân sinh, chợ đầu mối gia cầm là một trong những địa điểm dễ tồn dư và lây lan mầm bệnh. Đáng chú ý, ở bên kia biên giới, dịch cúm gia cầm độc lực cao A/H7N9 diễn biến khá phức tạp ở Trung Quốc và nước này đã cho đóng cửa hàng loạt chợ gia cầm trong nội địa.

"Mặc dù các địa phương và lực lượng thú y đã tích cực vào cuộc nhưng vẫn không thể kiểm soát hết tình trạng giết mổ gia cầm sống tại các chợ trong nội thành. Nguyên nhân là các hộ giết mổ khá nhỏ lẻ, phân tán trong khi lực lượng kiểm tra còn mỏng. Đặc biệt, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, bởi theo quy định tại Nghị định 119/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013 của Chính phủ, hành vi giết mổ động vật tại các địa điểm không được cơ quan có thẩm quyền cho phép chỉ bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng." - Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội

"Để hạn chế việc giết mổ gia cầm sống ngay tại chợ và phục vụ tốt cho công tác quản lý dịch bệnh gia súc, gia cầm, TP cần quy hoạch các điểm giết mổ gia cầm tập trung, có kiểm soát nguồn gốc. Đồng thời, quá trình vận chuyển sản phẩm gia cầm đã giết mổ phải có xe chuyên dụng để không làm ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, các cấp, ngành phải cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen cho cả người kinh doanh và người tiêu dùng." - Nguyễn Thị Ngọc Oanh - Trạm trưởng Trạm Thú y quận Thanh Xuân

"Trước tình hình dịch cúm gia cầm A/H7N9 bùng phát ở Trung Quốc và dịch cúm gia cầm A/H5N1 xuất hiện một số tỉnh, Ban Quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ đã phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho tiểu thương về sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm. Đồng thời nghiêm cấm việc bán gia cầm lậu, không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với Đội lưu động của huyện kiểm tra thường xuyên, ngăn chặn tình trạng tuồn gia cầm lậu vào chợ." - Ông Lê Xuân Viết - Trưởng Ban quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Bùi Đắc Hải – Phó Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Chương Mỹ chia sẻ, việc giết mổ ngay trong các chợ dân sinh chắc chắn không đảm bảo an toàn dịch bệnh. Trạm Thú y huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhắc nhở công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các chợ trên địa bàn, tuy nhiên muốn giải quyết triệt để được vấn đề này cần phải có giải pháp mạnh từ cấp TP. Đại diện Trạm Thú y quận Thanh Xuân cũng cho biết, trước diễn biến của tình hình dịch cúm gia cầm, quận đã chỉ đạo các ngành, lực lượng ra quân kiểm soát chặt chẽ công tác phòng chống dịch bệnh, tập trung tại các chợ dân sinh, tụ điểm kinh doanh gia cầm. Qua kiểm tra, vẫn phát hiện một số trường hợp lén lút giết mổ gia cầm ngay tại chợ dù TP đã có lệnh cấm buôn bán, giết mổ gia cầm sống trong chợ nội thành từ năm 2007.

Toàn TP hiện có hơn 400 chợ, trong đó có 2 chợ đầu mối buôn bán gia cầm lớn là chợ Hà Vỹ (huyện Thường Tín) và chợ Bắc Thăng Long (Đông Anh). Riêng chợ Hà Vỹ có khối lượng gia cầm vận chuyển về từ 15 – 17 tấn/ngày, cao điểm trong dịp Tết lên tới 45 – 50 tấn/ngày. Trước nguy cơ lây nhiễm dịch cúm gia cầm, mới đây, Sở Y tế phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức diễn tập phòng chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 tại chợ Hà Vỹ nhằm nâng cao khả năng ứng phó cho người dân, người kinh doanh cũng như chính quyền cơ sở.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội chia sẻ, nhận thấy mối lo dịch bệnh tại các chợ, Chi cục đã yêu cầu trạm thú y các quận, huyện, thị xã tập trung tăng cường bám sát địa bàn. Sau chợ Hà Vỹ, tất cả các chợ trên địa bàn TP đều phải triển khai công tác ứng phó với dịch cúm gia cầm. Trong đó, tuyên truyền cho người dân nếu phát hiện trong chợ xuất hiện gia cầm nghi nhập lậu phải báo ngay cho ban quản lý chợ và lực lượng chức năng biết. Đồng thời thường xuyên tổ chức tẩy uế, tiêu độc khử trùng môi trường và lấy mẫu giám sát tình hình dịch bệnh tại các chợ, điểm kinh doanh, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm…

Bộ Công Thương đang tiến hành lấy ý kiến về Dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam về chợ kinh doanh thực phẩm. Trong số các quy định, một vấn đề đáng chú ý là quy định không bày bán gia súc, gia cầm sống chưa giết mổ và không giết mổ gia súc, gia cầm tại chợ.

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tốt việc giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, hiệu quả các ổ dịch bệnh ở người và gia cầm. Đồng thời tăng cường kiểm tra việc đảm bảo ATTP, vệ sinh thú y, tập trung tại các cơ sở chế biến, buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển gia cầm.