Lễ Ban Sóc (lễ phát lịch) được tổ chức thực sự quy mô là vào đầu triều Minh Mạng. Hằng năm, sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong, triều đình tổ chức Lễ Ban Sóc dưới sự điều hành của hai viên ở bộ Lễ và Khâm Thiên Giám.
Theo đó, lịch được tiến vào Hoàng Cung để cho Hoàng gia dùng, lịch được phát cho các quan ở Kinh Thành, ở các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng.
Lễ Ban Sóc không chỉ là một nghi thức có ý nghĩa quan trọng trong ngày đầu năm mới mà còn là một hoạt động quan trọng đối với người dân Việt xưa. Xem lịch để biết thời gian, thời tiết và cả thời vụ làm ruộng, ra đồng cũng như các lễ, nghi quan trọng.
Cùng với Lễ Ban Sóc, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ khai mạc và công bố chương trình Festival Huế 2023.
Trong đó, Festival Huế 2023 đặc biệt tập trung các hoạt động kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới; 20 năm Nhã nhạc Cung đình Huế được ghi danh vào Kiệt tác Di sản phi vật thể của nhân loại.
Bên cạnh đó, một số hoạt động kỷ niệm năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam với các nước trên thế giới cũng sẽ được các Đại sứ quán phối hợp với Thừa Thiên Huế tổ chức.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, Festival Huế 2023 tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới, đa dạng hóa các loại hình tổ chức lễ hội, hướng đến sự tham gia của cộng đồng nhân dân. Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh xã hội hóa công tác tổ chức các lễ hội trong Festival Huế, gắn hoạt động lễ hội với các sản phẩm du lịch.
“Từ đó, góp phần giới thiệu tinh hoa văn hóa Huế, quảng bá điểm đến xinh đẹp, an toàn, thân thiện Cố đô Huế - Việt Nam, thành phố Festival đặc trưng, tạo động lực xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế”, Phó Chủ tịch Thường trựcUBND tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.
Festival Huế 2023 với chủ đề “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển” sẽ có hơn 50 hoạt động chính và gần 100 hoạt động hưởng ứng diễn ra liên tục trong năm theo định hướng bốn mùa.
Cụ thể, “Xuân Cố đô” (tháng 1 - 3): tiếp tục tổ chức các lễ hội cung đình, lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian đặc thù như đã triển khai trong năm qua. Đặc biệt, lần đầu tổ chức Lễ hội Hoàng mai quy mô toàn quốc (từ 9 - 19/1/2023) nhằm hướng tới xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam.
Lễ hội mùa Hạ “Kinh thành tỏa sáng” (tháng 4 – 6): sẽ là trọng điểm của cả năm, điểm nhấn là Tuần lễ Festival nghề truyền thống Huế với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” (28/4 – 5/5/2023), và các hoạt động kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế, 20 năm Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO vinh danh.
“Huế vào thu” (tháng 7 – 9): với điểm nhấn là Lễ hội Áo dài gắn với Tuần lễ Áo dài cộng đồng kết hợp các hoạt động vui Tết Trung Thu như Lễ hội Đèn lồng, Ngày hội Lân và các hoạt động trưng bày, sắp đặt, rước đèn lồng, quảng diễn múa lân...
Lễ hội mùa Đông “Mùa Đông xứ Huế” (tháng 10 – 12): sẽ tổ chức một số hoạt động lễ hội mới tạo không khí mùa đông xứ Huế sôi động, ấm áp hơn, đồng thời tạo ra các loại hình vui chơi, giải trí cho du khách thưởng ngoạn trong thời gian lưu lại Cố đô Huế với điểm nhấn là Festival Âm Nhạc quốc tế và Chương trình Countdown chào đón năm mới.
Chương trình và các hoạt động do các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế thực hiện, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa vùng miền, quốc gia nhằm giao lưu, hợp tác văn hóa, tôn vinh, quảng bá những nét văn hóa đặc thù của vùng đất Cố đô văn hiến với 7 di sản được UNESCO vinh danh.