Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lễ hội đền Sóc năm 2018: Không còn lộn xộn vì tranh cướp “giò hoa tre”

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (21/2), tức mùng 6 Tết Nguyên đán Mậu Tuất, lễ hội Gióng đã chính thức được khai mạc tại Khu di tích lịch sử đền Sóc, huyện Sóc Sơn.

Dù trời có mưa phùn nhẹ và không khí khá ẩm ướt, tuy nhiên, ngay từ 6g sáng, dòng du khách thập phương đã nườm nượp tụ hội về Khu di tích lịch sử đền Sóc để tham dự lễ khai hội.
 Người dân đi trẩy hội từ sáng sớm 21/2.
Đúng 7 giờ sáng, lễ vật được các thôn, làng trên địa bàn huyện di chuyển vào khuôn viên đền Sóc. Vẫn như mọi năm, lễ hội đền Sóc năm 2018 đón nhận 8 lễ vật được các địa phương cung tiến. Lần lượt là giò hoa tre của thôn Vệ Linh (xã Phù Linh), ngựa sắt của thôn Phù Mã (xã Phù Linh), voi chiến của thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược), trầu cau của thôn Đan Tảo (xã Tân Minh), ngà voi của xã Đức Hòa, cỏ voi của thôn Yên Sào (xã Xuân Giang), kiệu tướng của thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) và cầu húc của thôn Xuân Dục (xã Tân Minh).
 Đại biểu và đông đảo du khách làm lễ.
Là một trong những lễ hội lớn và quan trọng bậc nhất trong văn hóa tín ngưỡng của người dân Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung, mùa lễ hội năm nào Khu di tích lịch sử đền Sóc cũng thu hút hàng chục vạn du khách khắp nơi tụ hội.
 Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút đánh trống khai hội.
Không chỉ được biết đến là nơi thờ tự Phù Đổng Thiên Vương - một trong tứ bất tử của dân tộc Việt Nam, lễ hội Gióng tại đền Sóc còn rất nổi tiếng với tục “cướp giò hoa tre”. Những năm qua trước đây, việc phát giò hoa tre cho Nhân dân và du khách thập phương lấy may đầu năm đã được Ban tổ chức lễ hội kiểm soát khá tốt.
 Giò hoa tre 
  Ngựa sắt
Tuy nhiên, tình trạng chen lấn, xô đẩy, đôi khi là cả tranh cướp vẫn diễn ra, khiến hình ảnh lễ hội bị ảnh hưởng. Từ thực tế trên, năm nay Ban tổ chức lễ hội Gióng năm 2018 đã có những quyết định thay đổi phương thức triển khai.
 Voi chiến 
Ghi nhận thực tế trong sáng 21/2 cho thấy, sau lễ cung tiến, giò hoa tre được di chuyển vào hậu cung đền Thượng, chứ không di chuyển xuống khu vực đền Hạ và tổ chức phát lộc như mọi năm.
 Trầu cau
Giò hoa tre sau đó được chuyển với số lượng vừa đủ xuống đền Hạ để thờ cúng. Nhờ đó, tình trạng lộn xộn khi phát lộc giò hoa tre đã không xảy ra tại mùa lễ hội năm nay.
 Ngà voi
Theo Trưởng ban tổ chức lễ hội đền Sóc Lê Hữu Mạnh: Điều này bảo đảm không làm mất đi những nghi lễ truyền thống của lễ hội, thay vào đó, còn góp phần tạo nên hình ảnh văn minh, yên bình cho lễ hội được chờ đợi bậc nhất trong năm của Hà Nội.
 Cỏ voi 
Bên cạnh thay đổi quan trọng nêu trên, vẫn như mọi năm, lực lượng công an, dân phòng, thanh niên tình nguyện… tiếp tục được huy động với số lượng lớn, túc trực thực hiện nhiệm vụ nhằm xử lý kịp thời những sự cố xảy ra trong ba ngày diễn ra lễ hội.
 Nữ tướng trẻ 
Khu di tích lịch sử đền Sóc là nơi thờ Phù Đổng Thiên Vương - một trong tứ bất tử của dân tộc Việt Nam. Theo truyền thuyết, Thánh Gióng là người có công giúp vua Hùng Vương thứ VI dẹp giặc phương Bắc, đem lại thái bình cho đất nước và Nhân dân. Sau khi dẹp giặc xong, Thánh Gióng đến nơi đây, cởi áo chiến bào để lại đỉnh núi đá Chồng (xã Phù Linh) rồi cả người và ngựa bay thẳng về trời. Nhà vua và Nhân dân biết ơn người anh hùng, lập đền thờ và hàng năm mở hội từ mùng 6 - 8 tháng Giêng âm lịch để tưởng nhớ công ơn của Ngài…
 Cầu húc 
Khu di tích lịch sử đền Sóc đã được xây dựng hơn 1.000 năm, trải qua nhiều biến thiên của lịch sử và thời gian, qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo, cùng nhiều cổ vật có giá trị. Năm 1962, Quần thể di tích đền Sóc được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Đến ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận Quần thể di tích đền Sóc là Di tích lịch sử Quốc gia cấp đặc biệt.