KTĐT - UNESCO cho biết năm 2010, 47 di sản văn hoá của 31 nước gồm các bài hát, điệu múa, lễ hội, nghệ thuật thủ công bí truyền…. sẽ được xem xét để đưa vào danh sách các di sản phi vật thể của nhân loại, trong đó có Lễ hội Gióng tại đền Phù Đổng và đền Sóc Sơn của Việt Nam.
Lễ hội Gióng sẽ được UNESCO xem xét để đưa vào danh sách các di sản phi vật thể của nhân loại.
UNESCO cho biết năm 2010, 47 di sản văn hoá của 31 nước gồm các bài hát, điệu múa, lễ hội, nghệ thuật thủ công bí truyền…. sẽ được xem xét để đưa vào danh sách các di sản phi vật thể của nhân loại, trong đó có Lễ hội Gióng tại đền Phù Đổng và đền Sóc Sơn của Việt Nam.
Để được đưa vào danh sách này, các di sản phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe, trong đó phải góp phần phổ biến rộng rãi tri thức về di sản văn hoá phi vật thể và thúc đẩy nhận thức về tầm quan trọng của các di sản này.
Các nước đề nghị đưa di sản vào danh sách cũng phải chứng tỏ khả năng bảo vệ các di sản này để đảm bảo sự tồn tại lâu dài của di sản.
Các di sản được đưa vào danh sách đòi hỏi nước chủ nhà phải cam kết về các biện pháp bảo vệ đặc biệt và được Quỹ UNESCO hỗ trợ tài chính để loại trừ nguy cơ biến mất hoặc xuống cấp của di sản.
Hiện đã có 166 di sản của 77 nước nằm trong danh sách này.
Hội Gióng ở đền Phù Đổng, Gia Lâm và đền Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội là một lễ hội đặc biệt trong số hơn 7.000 lễ hội dân gian ở nước ta, diễn ra vào ngày 9 và 10 tháng Tư (Âm lịch). Miêu tả toàn bộ cuộc chiến đấu chống giặc Ân của người anh hùng huyền thoại Phù Đổng Thiên Vương mà nhân dân ta gọi là Thánh Gióng, hội Gióng được nhân dân địa phương lưu truyền từ đời này qua đời khác mà không làm mất đi nét độc đáo. Hội Gióng có đủ các yếu tố cần thiết để trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đặc biệt là yếu tố cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Đây cũng là lễ hội đầu tiên ở nước ta được lập hồ sơ để trình UNESCO xem xét, công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày 31/8/2009, Hồ sơ đề cử Lễ hội Gióng đã được các cơ quan chức năng hoàn thành và gửi tới trụ sở UNESCO tại Paris (Pháp). |