Không để lộc là... đồ hiếmMùa lễ hội Hà Nội mới bắt đầu, nhưng qua ngày mùng 5 và mùng 6 tháng Giêng, nhiều lễ hội lớn đã khai màn trong yên bình. Hội Gióng (Sóc Sơn) không còn cảnh công an nhiều hơn người đi hội, chùa Hương không còn hàng trăm người chen chúc giơ tay trong khoảnh đất vài mét vuông để cướp chiếc vòng lộc từ sư thầy. Trước ngày khai hội, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương đã quán triệt với nhà chùa không được để tái diễn hành động phát lộc tự phát.
Chùa Hương ngày khai hội năm 2018 đón hơn 5 vạn lượt khách, tăng 5% so với năm 2017, nhưng không còn ai bị ngất vì chen nhau lấy lộc. Hội có đông, khói hương có phần ngột ngạt, nhưng dòng người xếp hàng đi theo thứ tự. Theo ông Nguyễn Chí Thanh – Trưởng Ban quản lý di tích danh thắng Hương Sơn: “Phát lộc không phải là nghi thức vốn có của lễ hội chùa Hương, mà chỉ là hành động bộc phát của sư thầy. Vì số lượng lộc không có nhiều, nên mọi người chen lấn, giành nhau. Năm nay, không phát lộc nên lễ hội cũng bình yên hơn”.Lễ hội Gióng (Sóc Sơn) năm nay cũng có nhiều thay đổi trong quá trình triển khai. Trong đó, điểm nhấn đáng chú ý là việc tán lộc giò hoa tre. Mọi năm, sau phần cung tiến, kiệu giò hoa tre được di chuyển xuống khu vực đền Hạ và phát lộc cho người dân.
Năm nay, sau khi làm lễ, kiệu giò hoa tre được di chuyển vào hậu cung đền Thượng. Sau đó, được phát cho các địa phương và chuyển với số lượng vừa đủ xuống đền Hạ phục vụ tế lễ. Điều này đã xóa bỏ hoàn toàn những lộn xộn thường xảy đến khi phát lộc tập trung tại đền Hạ. Đặc biệt, với số lượng 1.500 giò hoa tre do Ban tổ chức chuẩn bị, lộc không còn là... của hiếm.Liên quan tới ý kiến chủ quan của một số người dân tham gia lễ hội về việc không phát lộc giò hoa tre trực tiếp khiến lễ hội kém vui, Trưởng Ban tổ chức lễ hội đền Sóc năm 2018 Lê Hữu Mạnh cho biết, thay đổi là cần thiết với mục tiêu nhằm bảo đảm an ninh trật tự, đặc biệt là an toàn cho du khách tham gia lễ hội.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tổn phát huy di sản văn hóa Việt Nam cũng ủng hộ sự thay đổi nghi thức tổ chức này. PGS.TS Nguyễn Văn Huy lấy ví dụ từ Hội Gióng (Phù Đổng, Gia Lâm) cũng từng đổi gậy gỗ bằng gậy nhựa cho đoàn tùy tùng bảo vệ ông Hiệu, nên ngăn được bạo lực lễ hội. “Thay đổi cách thức tổ chức nhưng bản chất của lễ hội không thay đổi” – PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.Bãi giữ xe quá tảiNếu việc giảm tránh bạo lực được chú tâm chấn chỉnh, thì các dịch vụ hỗ trợ như hàng quán, bãi trông xe, cờ bạc núp bóng trò chơi có thưởng… vẫn là vấn đề nhức nhối ở một vài lễ hội năm nay. Tại chùa Hà, Phủ Tây Hồ, gò Đống Đa, UBND các quận tổ chức trông xe miễn phí từ ngày mùng 1 đến mùng 5 tháng Giêng, nên hạn chế được tình trạng bãi gửi xe trái phép phát sinh. “Đã đi hội hay lễ chùa tôi không tiếc vài nghìn gửi xe, nhưng vào nơi đông người có lực lượng đoàn thanh niên túc trực, bảo vệ tài sản cho người dân thấy phấn khởi vì nét văn minh này” – bà Nguyễn Lan (quận Thanh Xuân) chia sẻ khi đi lễ Phủ Tây Hồ.Tuy nhiên, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám những ngày Tết, dù đã có bãi trông xe tạm tại vườn Giám, vỉa hè Văn Miếu, nhưng vẫn không đủ cho nhu cầu gửi xe của hơn 30.000 lượt khách mỗi ngày. Vỉa hè đường Nguyễn Thái Học bỗng nhiên trở thành bãi trông xe tự phát với giá gửi xe gấp 2 - 3 ngày thường (dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/lượt xe máy, 50.000 - 100.000 đồng/lượt ô tô).Bãi giữ xe của Vườn Giám quá tải, di sản có phần xấu đi trong ngày Tết vì lượng người quá đông. Hồ Văn - nơi diễn ra Hội chữ Xuân 2018 với hạng mục tái hiện khu ẩm thực thời sĩ tử vỡ trận, vì hàng chục du khách nhồm nhoàm ăn uống… ở mỗi quầy.
Tại lễ hội chùa Hương không còn treo động vật trong tủ kính để "mệnh danh" thịt thú rừng, nhưng hàng quán vẫn nhếch nhác, lộn xộn từ cổng Thiên Trù lên động Hương Tích. Loa quảng cáo bánh củ mài Hiếu béo, thuốc đông y… gióng giả, rác vương vãi khắp nơi. Nơi gọi là cõi Phật khó gọi là thanh tịnh vì ồn ào. Thế mới thấy, hội của nơi đông người vẫn đầy rẫy nỗi lo.
Sau khi chấn chỉnh thành công những lễ hội từng có hình ảnh phản cảm, hiện nay, chúng tôi tập trung yêu cầu các cơ sở siết chặt các hiện tượng đang nhức nhối như: Đốt vàng mã, đổi tiền lẻ ăn chênh lệch, đặt tiền lễ không đúng nơi quy định… Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động |
Sở Y tế đã kiểm tra công tác an toàn thực phẩm (ATTP) tại lễ hội đền Sóc, huyện Sóc Sơn. Lễ hội đền Sóc có trên 100 cơ sở kinh doanh thực phẩm, thức ăn, trong đó có 10 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đoàn đã trực tiếp kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các cơ sở đã ký cam kết đảm bảo ATTP, tuy nhiên, điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo. Đoàn đã lấy các mẫu hành tươi, bánh phở, chè Thái, khoai tây chiên, gà chiên để xét nghiệm nhanh, kết quả các mẫu thực phẩm đều an toàn. Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung cho biết, từ nay đến hết mùa lễ hội, các đoàn kiểm tra của TP sẽ trực tiếp kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại các lễ hội, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm. (Hải Lý) |